Cơ hội lớn
Theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30%. Hiện không ít ngân hàng Việt Nam đã bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, song bên cạnh đó, không ít nhà băng vẫn còn nguyên room, một phần do vừa chia tay với cổ đông ngoại.
Thực tế, kể từ khi ngành ngân hàng Việt Nam bước vào giai đoạn tái cơ cấu, cổ phiếu vua không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, HDBank, VPBank, Techcombank đã chào bán cổ phần cho các tổ chức quốc tế thu về hàng trăm triệu USD, thậm chí khối lượng đặt mua gấp nhiều lần lượng chào bán. Điều này cho thấy, giới đầu tư quốc tế đang đánh giá cao triển vọng tăng trưởng lạc quan của nhóm ngân hàng, sau một thời gian tái cơ cấu nhiều khó khăn.
Mới đây, HĐQT OCB đã thông qua giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 23,66%. Trước đó, đầu năm 2018, cổ đông ngoại BNP Paribas đã thoái toàn bộ 18,68% vốn khỏi nhà băng này. Cụ thể, BNP Paribas đã bán toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương với 18,68% vốn điều lệ của OCB sau 10 năm đổ vốn vào đây.
Việc BNP Paribas thoái vốn khỏi OCB là một thông tin khá bất ngờ với thị trường, nhất là trong xu thế nhiều nhà đầu tư ngoại muốn “nhảy” vào lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam như hiện nay. Theo công bố mới nhất của OCB, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng hiện là 4,98% vốn điều lệ.
Trong khi đó, Vietcombank (VCB) đang rao bán nốt cổ phần OCB để thoái vốn theo lộ trình quy định tại Thông tư 36. Cụ thể, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo, VCB tiếp tục bán đấu giá hơn 6,6 triệu cổ phần đang nắm giữ tại OCB vào ngày 14/4, với giá 13.000 đồng/cổ phần. Đây là số cổ phần còn lại trong tổng số 18,9 triệu cổ phần OCB mà VCB đã đem ra bán đấu giá vào tháng 12/2017 nhưng chưa bán hết. Như vậy, cơ hội cho nhà đầu tư ngoại tại OCB là rất lớn.
Lãnh đạo LienVietPostBank cũng cho hay, Ngân hàng đã khóa tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 25%. Điều này đồng nghĩa với việc, LienVietPostBank sẽ dành room 25% để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là tổ chức có uy tín, tiềm lực tài chính mạnh, gắn bó và đồng hành lâu dài với sự phát triển của nhà băng trong tương lai.
Trong đó, mục tiêu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mà LienVietPostBank hướng đến là tổ chức có kinh nghiệm và năng lực thực tế trong hợp tác, cùng thúc đẩy Ngân hàng nhanh chóng thành công trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, phát triển ngân hàng kỹ thuật số, đưa LienVietPostBank vào tốp đầu ngân hàng hiện đại.
Hiện tại, VIB chốt room ngoại chỉ 20,5%, vì nhà băng này đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là Commonwealth Bank of Australia nắm giữ 20%. Với mức room ngoại bị giới hạn, cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần của VIB là khá thấp.
Đối với VPBank, nhà băng này đã chốt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 22,378%. Bên cạnh đó, sau khi chia tay HSBC, Techcombank vừa công bố khoản đầu tư hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) từ 2 nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus.
Khoản đầu tư từ các nhà đầu tư mới là một phần trong nỗ lực tăng vốn từ nay đến tháng 6/2018 của Techcombank theo đúng kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt ngày 3/3/2018.
Có thể nói, sau một thời gian dài kể từ thời điểm bước vào “cuộc đại phẫu” tái cơ cấu năm 2008, ngành ngân hàng mới chứng kiến những đợt chào bán cổ phần lần đầu có quy mô lên tới hàng trăm triệu USD.
Trước đó, vào cuối năm 2017, HDBank đã huy động được 300 triệu USD từ các tổ chức quốc tế, sau khi chào bán cổ phần từ cổ đông hiện hữu theo phương pháp dựng sổ. Thương vụ 6.800 tỷ đồng này là thương vụ huy động vốn quy mô lớn thứ hai của ngành ngân hàng chỉ sau đợt huy động hơn 460 triệu USD của Vietcombank năm 2007, với lượng đặt mua gấp 3 lần chào bán.
Những nhà đầu tư tham gia đợt chào bán của HDBank đều là những định chế tài chính lớn trên thị trường quốc tế như Credit Saison (Nhật Bản); Deutsche Bank AG (Đức); JPMorgan Vietnam Opportunities Fund, CAM Bank (Nhật Bản); Charlemagne (Anh); Dragon Capital, VinaCapital, Macquarie Bank (Úc) hay PYN Elite (Phần Lan).
Mong muốn nới room
Câu chuyện huy động vốn ngoại là dấu hiệu cho sự trở lại của ngành ngân hàng trong cuộc đua tăng vốn hướng tới đáp ứng chuẩn mực Basel II, bởi ngay cả 4 ngân hàng lớn nhất thị trường cũng đang “chật vật” trong quá trình tăng vốn cấp 1. Hiện số lượng ngân hàng Việt Nam chưa bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại còn lại rất ít, chủ yếu là các nhà băng đang trong quá trình tái cơ cấu như: SCB; BacA Bank; VietA Bank, Sacombank.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng thương mại liên tục bày tỏ mong muốn được nới room cho khối ngoại để tăng vốn, xử lý nợ xấu và thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Tổng giám đốc SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, sau quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, Ngân hàng đã lên kế hoạch gọi thêm vốn ngoại, với tỷ lệ vượt trên 50% và đã được chấp thuận về chủ trương. Hiện tại, SCB đang trong quá trình đàm phán với các đối tác ngoại.
Theo ông Văn, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào SCB, song để tìm được nhà đầu tư cùng chiến lược kinh doanh và chung mục tiêu đẩy mạnh ngân hàng phát triển cần có thời gian để tìm hiểu trước khi đi đến quyết định.
Về vấn đề thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, ngành ngân hàng mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các nhà băng trong nước và tin tưởng rằng, giai đoạn này sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn hơn nữa cho nhà đầu tư.
Với quy định hiện tại, đã có nhiều ngân hàng thương mại chạm mức trần quy định về tỷ lệ sở hữu của khối ngoại. Do đó, các nhà băng liên tục bày tỏ mong muốn được nới room cho khối ngoại để tăng vốn, xử lý nợ xấu và thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
Mức đề nghị nới room của một số ngân hàng thương mại nhà nước là 35 – 40%, còn các ngân hàng thương mại nhỏ mong muốn được nới room lên 49% hoặc 51%. Trong khi đó, các tổ chức nước ngoài cũng kiến nghị tăng mức sở hữu khối ngoại tại các nhà băng “nội” lên 50%, thậm chí 65%.