Lãi suất cho vay hiện nay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9- 11%/năm với tín dụng trung và dài hạn. Đối với khách hàng doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, có mức tín nhiệm cao, lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 4-5%/năm.
Ưu tiên giảm lãi suất cho vay
Mới đây, Vietcombank đã giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế được điều chỉnh giảm về mức tối đa 6%/năm. Đối với các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất trên 6%/năm cũng được điều chỉnh giảm về 6%/năm. Các khoản giải ngân mới từ nay đến hết năm 2018 áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa là 6%/năm. Thời gian thực hiện ưu đãi lãi suất từ ngày 15/1/2018 đến 31/12/2018.
Từ 15/01/2018, BIDV cũng đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND xuống mức tối đa 6%/năm, áp dụng đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao,… cũng sẽ được chú trọng ưu tiên giảm lãi suất.
Bên cạnh đó, BIDV cũng tiếp tục triển khai các gói tín dụng cạnh tranh quy mô lớn với lãi suất ưu đãi dành cho các đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề theo định hướng ưu tiên của Chính phủ với mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,0 – 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Trong đó, có thể kể đến gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp lớn; gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp siêu nhỏ/doanh nghiệp khởi nghiệp; gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay phát triển khách hàng doanh nghiệp nước ngoài; gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh …
“Mặt bằng lãi suất trong những tháng đầu năm 2018 được giữ ổn định, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm, trong đó các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt”, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết.
Ưu đãi cho tín dụng nông nghiệp
Ông Nguyễn Hải Hùng, Giám đốc Cty Xuất Nhập khẩu mây tre Hà Nội cho biết, các ngân hàng giảm lãi suất trong năm 2018 đều hướng đến nhóm doanh nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các doanh nghiệp thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại; các khoản vay phục vụ kinh doanh của các DNNVV theo quy định của Chính phủ; các dự án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, những hợp đồng vay vốn vì mục đích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được áp dụng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi…
Để tiếp sức cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm, cơ cấu tín dụng đã hướng vào các lĩnh sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, tính đến 31/05/2018, tín dụng chỉ tăng 6,16% so với cuối năm 2017, đạt khoảng 6,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng cho vay nông lâm thủy sản tăng 6,8%, cho vay công nghiệp – xây dựng tăng 6,83%, cho vay dịch vụ thương mại tăng 5,7%, cho vay doanh nghiệp ứng dựng công nghệ cao tăng 6,29%, lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,61%…
Do đó, trong 6 tháng cuối năm 2018 ngành ngân hàng không chỉ giảm lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc dạng ưu tiên mà NHNN sẽ xem xét giảm cả lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) để hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện để giảm lãi suất cho vay cho tất cả các loại hình doanh nghiệp…