Phiên giao dịch đầu tuần (18/6) khởi đầu khá tiêu cực với áp lực bán tăng mạnh trên toàn thị trường. Chỉ số VnIndex sau nhịp hồi phục mạnh từ cuối tháng 5 đã trở lại xu hướng điều chỉnh và trong phiên, chỉ số này một lần nữa “thủng” mốc 1.000 điểm và đóng cửa tại 987,34 điểm.
Đà giảm của thị trường không chỉ tập trung ở một vài cổ phiếu mà lan rộng ra khắp các nhóm ngành. Tính riêng HoSE, số mã giảm điểm lên tới 217, gấp gần 3 lần số mã tăng điểm. Các nhóm ngành tăng nóng thời gian qua như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản dẫn đầu đà giảm và nếu bộ đôi VIC, VHM không trụ vững thì thị trường sẽ còn giảm sâu hơn nữa.
Không chỉ giảm mạnh về điểm số mà thanh khoản thị trường cũng là điểm trừ khi tiếp tục duy trì ở mức thấp. Theo đó, giá trị giao dịch trên HoSE chỉ đạt gần 3.700 tỷ đồng, thấp hơn 9% so với mức trung bình 10 phiên gần nhất. Thị trường giảm sâu với thanh khoản sụt giảm cho thấy dòng tiền vẫn chưa mặn mà bắt đáy và đây là điều khá nguy hiểm lúc này.
Điều gì khiến thị trường giảm sâu?
Ngay trong phiên đầu tuần, thị trường đón nhận những thông tin bất lợi từ chính trường quốc tế khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Hai cường quốc này đã áp thuế 50 tỷ USD lên hàng hóa của nhau và nếu điều này kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thương mại toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế.
Trước đó ít ngày, FED đã quyết định nâng lãi suất lần 2 trong năm 2018 và theo nhiều dự báo sẽ còn 2 đợt nâng lãi suất nữa trong năm 2018. Có thể nói, quá trình nâng lãi suất của FED đang diễn ra với tốc độ khá nhanh, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới dòng vốn đầu tư tại các thị trường mới nổi, cận biên. Theo Bloomberg, khối ngoại hiện đang có đợt “tháo chạy” mạnh nhất tại các thị trường mới nổi Châu Á kể từ đợt khủng hoảng năm 2008.
Trong nước, những dự báo không mấy lạc quan về tăng trưởng kinh tế quý 2 và đặc biệt nửa cuối năm sẽ không còn duy trì được con số đột biến 7,38% như trong quý 1 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý thị trường.
Trên sàn chứng khoán, áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại đang là rào cản cho sự phục hồi của thị trường. Nếu như tuần giao dịch trước, nhiều lý do “biện hộ” cho áp lực bán ròng là từ các quỹ ETFs thì đến phiên 18/6, sau khi kết thúc kỳ review thì khối ngoại vẫn bán ròng hơn 500 tỷ đồng. Rõ ràng lực bán không chỉ đến từ ETFs mà nhiều quỹ đóng cũng đang bán khá mạnh trên TTCK Việt Nam.
Bên cạnh đó, quỹ ETF nội VFMVN30 cũng liên tục bị rút ròng chứng chỉ quỹ từ đầu tháng 6 và chưa có dấu hiệu tạm ngưng đang khiến thị trường thêm phần ảm đạm.
ETF nội liên tục bị rút ròng từ đầu tháng 5 tới nay
Thủng 1.000 điểm, VnIndex sẽ “lạc trôi” về đâu?
Trong bản tin nhận định thị trường, CTCK HSC cho rằng giá trị giao dịch thấp (so với vài tháng trước) và lực bán liên tục từ khối ngoại đã khiến hầu hết nhà đầu tư trở nên ngần ngại. Ngưỡng hỗ trợ của VnIndex đặt tại mốc 981 điểm (đường MA 200 ngày) và tiếp theo là 916-920 (đáy tính từ đầu năm). Bức tranh phân tích kỹ thuật hiện cũng không thực sự sáng sủa trong thời gian gần đây với đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Do hiện trước mắt sự quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường nói chung thấp nên có thể thị trường sẽ giảm tiếp.
Thời gian này cũng là vùng trũng thông tin trong đó sẽ có rất ít thông tin doanh nghiệp cho đến khi KQKD 6 tháng đầu năm bắt đầu được công bố trong khoảng 3-4 tuần tới. Theo đó giá cổ phiếu khó có thể tăng trong ngắn hạn khi mà thị trường chung điều chỉnh. Về mặt tâm lý, việc thị trường giảm mạnh ngay phiên đầu tuần là điều không tốt.
Chung quan điểm thận trọng, CTCK BSC đánh giá VnIndex đã rớt dưới vùng tâm lý 1.000 điểm, kết thúc 9 phiên giao dịch vùng đỉnh hồi phục từ 1.015 – 1.039 điểm. Lực bán tăng cuối phiên trong khi khối lượng giao dịch tăng nhẹ cho thấy áp lực bán vẫn hiện hữu khi chỉ số tiến sát SMA200 tại 980 điểm trong phiên tiếp theo. Diễn biến chỉ số đang ở giai đoạn nhạy cảm, trong đó khả năng rớt dưới SMA200 và quay lại kiểm tra đáy 916 điểm chiếm ưu thế.