Tại diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho DNNVV” chiều 7/8, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết Việt Nam đang xếp hạng 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy tín dụng cho DNNVV tăng mạnh trong thời gian qua, chiếm 21% tổng dư nợ tín dụng trong năm 2017. Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, đến thời điểm hiện tại, vẫn có đến 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn.
Ai cần ai?
Ông Lộc cho biết, 30 năm trước, vốn là vấn đề khó khăn lớn nhất đối với các DNNVV. Thời điểm hiện nay, bài toán về vốn cũng không khác nhiều, mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có rất nhiều đổi mới.
Đồng tình với ý kiến của ông Lộc, hầu hết các diễn giả có mặt tại diễn đàn đều thừa nhận đã có rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn cho các DNNVV tổ chức liên tục trong thời gian qua, song đến nay khó khăn vẫn còn nguyên vẹn.
Chuyên gia tài chính, Ts. Vũ Đình Ánh cho rằng nếu cứ ấn định “ba nhà” là ngân hàng – chính sách – khách hàng phải kết hợp với nhau thì câu trả lời vẫn giống như 10 năm về trước.
Ông Ánh phân tích, tính đến ngày 20/6/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,96% so với cuối năm 2017 là 14,19%; huy động vốn tăng 7,78% so với cuối năm 2017 là 14,5%.
Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng đạt 6,35% so với cuối năm 2017 là 16,96%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng luôn ổn định, quy mô tổng tín dụng chiếm khoảng 120% GDP.
Trong khi đó, hiện nay, hạn mức tín dụng ở các ngân hàng thương mại đang bị hạn chế. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã hết hạn mức tín dụng nhưng vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room.
Cùng với đó, các ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng với những con số lợi nhuận tăng trưởng mạnh như Vietcombank đạt hơn 8.000 tỷ đồng…
“Nhìn vào những con số trên, dường như ngân hàng không cần cho các DNNVV vay vốn để làm gì. Vậy ai cần ai?”, ông Ánh đặt vấn đề.
Ngân hàng vẫn cần DNNVV
Theo vị chuyên gia này, giả sử cố gắng để 60% DNNVV đang không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng sẽ được tiếp cận, chưa hẳn đã là giải pháp tốt, bởi khi tổng tăng trưởng tín dụng tăng 150-180% GDP sẽ khiến rủi ro lớn cho nền kinh tế.
Chưa kể, hiện nay cũng chưa có khảo sát cụ thể về việc trong số 60% DNNVV không tiếp cận được tín dụng có bao nhiêu phần trăm không cần nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
“Thống kê của Bộ KH&ĐT, mỗi tháng hàng vạn DN ra đời nhưng cũng có hàng vạn DN ra đi. Nếu trong đó có một nửa DN đã ra đi là bạn của ngân hàng thì hệ thống ngân hàng sẽ sụp đổ”, ông Ánh khuyến cáo.
Ngoài ra, liên quan đến ý kiến cho rằng hầu hết các DNNVV không có báo cáo tài chính, không có kế hoạch kinh doanh, không có tài sản đảm bảo, trong khi đây lại là những điều kiện quyết định họ có “bắt tay” được với ngân hàng hay không, ông Ánh cho rằng vấn đề then chốt giữa ngân hàng và DNNVV là “bất đồng ngôn ngữ”.
“DN nói ngôn ngữ kinh tế, trả lời đầu tư cái gì, sản xuất cho ai…, còn ngân hàng nói ngôn ngữ tài chính, phải bảo toàn được vốn ra sao, lợi nhuận như thế nào… Như vậy, đây mới là vấn đề khiến họ không thể gặp nhau và vẫn ngồi ở đây để tiếp tục bàn giải pháp”, ông Ánh bình luận.
Đưa ra giải pháp, ông Ánh cho rằng khi “bất đồng ngôn ngữ”, DNNVV bắt buộc phải tìm đến “phiên dịch”, đó là các tổ chức tư vấn, quỹ bảo lãnh…
Tuy nhiên, quan trọng vẫn là DNNVV phải cố gắng học “ngôn ngữ” của ngân hàng. Lúc đó, DN cần có tư duy quản trị tài chính ngân hàng hơn là tư duy của một nhà kinh tế.
Phản hồi ý kiến của ông Ánh, bà Trần Thu Trang, đại diện VietinBank cho rằng bất cứ DN nào, không chỉ DNNVV đều cần thiết đối với ngân hàng. “Chúng tôi luôn coi phân khúc DNNVV là chủ chốt, trong thời gian tới vẫn là định hướng chiến lược của VietinBank”, bà Trang khẳng định.
Các ngân hàng sẽ lựa chọn DNNVV tốt để xây dựng các chính sách cần thiết, tốt nhất để các DN có thể đáp ứng được.
Chẳng hạn, khó khăn nhất của các DNNVV là thiếu tài sản đảm bảo, nếu như trước đây sẽ không thể vay được vốn vì ngân hàng đưa ra điều kiện DN phải có tài sản thế chấp để đảm bảo cho toàn bộ gói vay, thì nay đã được điều chỉnh bằng chính sách cho vay một phần có tài sản đảm bảo.
“Bên cạnh đó, các DNNVV thường có quy mô gia đình, thiếu minh bạch tài chính, chúng tôi đã xây dựng sản phẩm cho vay theo chuỗi, cho vay các DN chính và DN vệ tinh. Khi chúng tôi cho vay các DN chính, trong đó đối tác đầu vào, đầu ra là DNNVV, nhờ đó ngân hàng sẽ quản trị dòng tiền của khách hàng, cũng nắm được thực chất năng lực tài chính của DNNVV”, bà Trang nói.