Mới đây, trong một động thái tiếp tục kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg, yêu cầu tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh CPI tháng 9 tăng bất thường, tới 2,2% và tính chung 9 tháng đầu năm nay đã tăng đến 5,13%. Đó chính là lời cảnh báo nóng về những hệ lụy khó lường cho nền kinh tế.
Việc kiềm chế lạm phát càng trở nên bức thiết vào thời điểm này, bởi CPI những tháng cuối năm nay và đầu năm 2013 cũng có khả năng tăng cao, do sự cộng hưởng nhiều yếu tố, như quy luật giá cả tăng cao vào cuối năm, xu hướng tăng giá ngày càng rõ nét trên thị trường thế giới, áp lực tăng giải ngân của ngân hàng và của chi tiêu công, đầu tư công trong quý IV/2012…
Chính vì thế, có lẽ không cần phải nhắc lại những hệ quả của lạm phát đối với nền kinh tế, với niềm tin của nhà đầu tư, tới sự sống còn của các doanh nghiệp hay áp lực an sinh xã hội; bài toán lúc này là, phải làm gì để không thổi thêm gió vào “lò lửa” lạm phát đang âm ỉ.
Trong báo cáo đánh giá về kinh tế 9 tháng được đưa ra cuối tuần qua, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã chỉ ra, gốc rễ của tình trạng CPI cao bất thường trong tháng 9 là do khâu điều hành giá. Việc hàng loạt mặt hàng thiết yếu dồn dập tăng giá trong tháng 9 cho thấy, khâu phối hợp điều hành giá đang có vấn đề.
Do đó, giải pháp ưu tiên cần làm ngay để kiềm chế lạm phát chính là chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả điều hành giá cả. Một mặt, chủ trương điều chỉnh giá hàng hóa theo giá thị trường là cần thiết, song cần có lộ trình, cân nhắc từng thời điểm, không để giá những mặt hàng thiết yếu tăng cao một cách tùy tiện. Các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp trong quản lý giá, tránh tình trạng “mạnh ai nấy tăng” như thời gian qua.
Một giải pháp nữa đóng vai trò quan trọng trong kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm 2012 và năm 2013 chính là phải kiểm soát chặt chẽ cung tiền. Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua, các chuyên gia cũng đánh giá, việc CPI chuyển từ tăng trưởng âm sang dương với mức tăng khá cao trong tháng 8 và tháng 9 là dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế, dù động thái nới lỏng tiền tệ chỉ mới bắt đầu.
Trong khi đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 5% trong năm 2012, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, chính sách tiền tệ và tài khóa bắt đầu nới lỏng, cung tiền của ngân hàng lẫn của Chính phủ vào đầu tư công bắt đầu tăng. Do đó, nếu luồng tiền không được kiểm soát chặt, không rót vào đúng địa chỉ thì diễn biến của lạm phát sẽ rất khó lường.