Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 1,84% so với tháng 12/2013, như vậy chỉ số lạm phát năm 2014 chỉ tăng gần 4,1%. Đáng chú ý, năm nay, CPI bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,15% – mức tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây.
Con số mang lại niềm tin
Bình luận về biến số vĩ mô quan trọng này, TS. Lê Đăng Doanh bày tỏ sự phấn khởi: “Lạm phát thấp là món quà quý cho ổn định vĩ mô và đời sống”. Theo ông, CPI đã phản ánh rõ tính thị trường của giá cả, giá xăng dầu, giá hàng hóa đã tăng giảm theo yếu tố cung cầu của thị trường. Ông cũng cho rằng, giá cả không tăng như những năm trước phần quan trọng do người tiêu dùng đã thay đổi tập quán chi tiêu, không còn dồn dập chờ gần Tết mới mua sắm nhiều như trước.
“Mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra đã được thực hiện thành công. Lạm phát thấp như hiện nay là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển. Đối với người tiêu dùng, khi chỉ số lạm phát thấp thì chi phí sinh hoạt không tăng nhiều, khoản tiền thu lợi thực từ tiết kiệm của họ thực sự có ý nghĩa hơn”, bà Đỗ Thị Ngọc – Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (GSO) bình luận.
Bà Ngọc cũng cho rằng, khi CPI giữ được ở mức ổn định, NHNN có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các DN giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất… kích thích nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người dân tiêu dùng nhiều hơn, từ đó có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng.
Đồng quan điểm với ý kiến của TS. Lê Đăng Doanh, bà Ngọc cho rằng, CPI tăng thấp còn có nguyên nhân quan trọng là tâm lý bình tĩnh và thông minh hơn trong chi tiêu của người tiêu dùng. Hộ gia đình không mua hàng tích trữ vào các dịp Lễ; Tết, chi tiêu của người dân được tính toán kỹ hơn, cân nhắc hơn. Do tâm lý, thái độ của người tiêu dùng có sự thay đổi, nên người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không dám tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hay các ngày lễ hội như những năm trước đây.
Cùng góc nhìn, GS-TS.Vương Đình Huệ – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận xét: “Tôi thấy đáng chú ý là tập quán chi tiêu của người dân cũng có những thay đổi so với tập quán no dồn, đói góp trước đây. Hơn nữa, thị trường bây giờ rất thuận tiện nên tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam cũng có những thay đổi. Đây là điểm tốt”.
Trước ý kiến lo ngại của một số nhà kinh tế cho rằng CPI tăng thấp là do sức cầu của nền kinh tế yếu, bà Ngọc phân tích: “Lo ngại này là không có cơ sở. Nếu nhìn vào số liệu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá, tốc độ tăng về lượng vẫn cao hơn các năm trước: năm 2014 ước tăng 6,5%, trong khi đó các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt tăng là 4,7%, 6,2% và 5,6% trong khi lạm phát của các năm này lần lượt là 18,13%, 6,81% và 6,04%” và khẳng định “CPI năm 2014 tăng thấp không phải do nhu cầu tiêu dùng”.
GS-TS.Vương Đình Huệ phân tích thêm: Một số nhà kinh tế học, chuyên gia nói lạm phát thấp do tổng cầu thấp, do chi tiêu công không dư giả. Nhưng khi lấy tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trừ đi chỉ số lạm phát thì thấy tổng cầu có tăng hơn trước, nhưng không được như kỳ vọng, chứ không có chuyện tổng cầu giảm”. Ông nhấn mạnh: “Tổng cầu thấp chứ không giảm. Nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước sao gọi là giảm phát được”.
Trả lời câu hỏi “CPI của tháng 12 giảm, lạm phát cả năm thấp có đáng ngại không”, TS. Cao Sỹ Kiêm – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia khẳng định, hiện chưa đáng ngại. Ông giải thích: “Nếu lạm phát thấp và GDP sụt xuống số âm liên tục trong một giai đoạn liền kề thì đấy mới là dấu hiệu của giảm phát, mới là đang ở tình trạng nguy hiểm. Nhưng CPI cả năm thấp, tín dụng vẫn tăng trưởng khoảng13% chứng tỏ nền kinh tế đang phục hồi, chứ không phải nền kinh tế suy giảm”.
CSTT hoàn thành nhiệm vụ
Thật đáng để suy ngẫm, con số được coi là lạm phát của Việt Nam năm 2014 vừa được công bố ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây -một diễn biến khá bất ngờ so với tính chu kỳ vẫn diễn ra lâu nay. Điều này chắc hẳn làm ngạc nhiên nhiều chuyên gia và doanh nhân. Khoảng cuối năm ngoái, một tờ báo có tiếng về kinh tế từng lấy ý kiến các đối tượng này, mức dự báo thấp nhất cho lạm phát năm nay là 6,3%, còn đại đa số cho rằng sẽ ở mức 7%. Trong khi đó, năm nay lạm phát thấp kỷ lục trong bối cảnh lãi suất cũng đã phù hợp hơn và tỷ giá khá ổn định, một “điều kỳ diệu” đạt được liên quan chủ yếu đến chính sách tiền tệ.
Kết quả đó thậm chí còn đáng chú ý hơn khi đạt được trong một năm không ít sóng gió, từ sự kiện Biển Đông ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn đầu tư, đến bất ổn chính trị nhiều nơi trên thế giới, trong đó có các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam. Nền kinh tế trong nước cũng đang vào cuộc cải cách, theo nhiều chuyên gia thì đây là giai đoạn củng cố nền tảng cho phát triển, nhưng cũng phải đánh đổi ít nhiều.
Nhìn lại, dễ dàng nhận thấy, giai đoạn đảo chiều lạm phát bắt đầu vào khoảng nửa cuối năm 2011, từ mức tăng cao đến đột biến dần ổn định trở lại và đến những tháng gần đây thậm chí còn giảm. Nó cho thấy những kiên định và nỗ lực chính sách kiểm soát lạm phát nhiều năm qua đã có kết quả. Tất nhiên quan trọng nhất là thời khắc khởi xướng.
Tháng 8/2011, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình bắt đầu đảm nhận vị trí Thống đốc. Một trong những thông điệp đầu tiên mà ông đưa ra là kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất, giữ ổn định tỷ giá USD/VND. Đó là những ước nguyện mà nhiều DN và người dân mong muốn, khi mà lạm phát từng cao tới gần 20%/năm, cuộc sống đặc biệt khó khăn đối với nhiều đối tượng xã hội, kinh doanh bấp bênh bởi lãi suất “nhảy nhót” đến nghẹt thở và nhiều tình huống tỷ giá điều chỉnh gấp gáp.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lúc đó tỏ rõ không đồng tình. Cũng bởi, lạm phát là trạng thái đồng tiền mất giá, trong khi giảm lãi suất là giảm giá đồng tiền, tạo thêm sức ép lên lạm phát. Vậy sao có thể song hành đạt cả hai mục tiêu là giữ giá tiền đồng và giảm lãi suất? Ngoài ra, giảm lãi suất thì tỷ giá phải tăng, theo lý thuyết. Trong khi đó, kinh nghiệm kiềm chế lạm phát đã từng được nhắc đến trong lịch sử kinh tế Việt Nam, với những giải pháp mạnh tay tăng lãi suất để hút tiền về. Nhiều “cuộc chiến” chống đô la hóa cũng đã bất thành….
Cũng ở giai đoạn “cuộc chiến” cam go đó, tuyên bố ổn định đồng tiền nói trên lại đứng trước áp lực phải thực hiện gấp, khi mà Thủ tướng Chính phủ từng thẳng thắn nói ngay trong một hội nghị của ngành Ngân hàng rằng: Lạm phát từ tiền nhiều mà ra. Với tư cách thành viên Chính phủ, lại là người đứng đầu Ngân hàng Trung ương, trước hết, Thống đốc phải chịu trách nhiệm với Chính phủ về lạm phát…
Nhưng thực tế là trong công tác điều hành, với nhiều giải pháp linh hoạt NHNN đã không phải đánh đổi kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá bằng tăng lãi suất. Cho đến lúc này, hoàn toàn có thể khẳng định NHNN đã làm được những gì mà người đứng đầu Ngành từng nói: từ giảm lãi suất mỗi quý 1% từ ngay giai đoạn lạm phát còn trên đỉnh hồi đầu năm 2012; đến các tuyên bố về biên độ điều chỉnh tỷ giá được thực hiện đúng, thậm chí còn để thừa dư địa, trong mấy năm gần đây; rồi cơ cấu lại hệ thống TCTD, giảm sở hữu chéo…
Những kết quả đó đạt được với không ít áp lực, nhưng giải pháp chính sách được đưa ra và thực hiện khá cương quyết. Trong đó, đáng ghi nhận là cách thức điều hành đã chuyên nghiệp hơn… Kết quả ngoài mong đợi là dự trữ ngoại hối tăng mạnh và thông tin tín dụng trở thành nhân tố khiến các tổ chức quốc tế nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam.