Mặc dù giảm nhẹ trong tháng 7 vừa qua, nhưng lạm phát vẫn đứng ở mức cao khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng tới 4,46% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 7 tháng năm 2018 tăng 3,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Quan ngại hơn là sự giảm nhẹ của lạm phát trong tháng 7 vừa qua là không bền vững khi mà áp lực lạm phát những tháng cuối năm được dự báo vẫn còn rất lớn. Điều đó khiến cho mục tiêu kiểm soát CPI bình quân ở dưới mức 4% trong năm nay thêm phần khó khăn.
Chính vì vậy, kiểm soát lạm phát đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay. Thế nhưng, cần phải hiểu rõ lạm phát bắt nguồn từ đâu mới có thể đưa ra được các giải pháp kiểm soát hiệu quả được.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá của nhóm giao thông đã tăng tới 10,18%; dịch vụ y tế tăng 7,38%; dịch vụ giáo dục tăng 6,97%; thực phẩm tăng 6,35%. Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn khá ổn định, chỉ tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,41% so với cùng kỳ.Nhìn lại diễn biến lạm phát những tháng đầu năm có thể thấy lạm phát tăng cao hơn nhiều so với năm trước chủ yếu do giá xăng dầu thế giới đẩy giá xăng dầu trong nước tăng mạnh; giá thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn cũng tăng cao; cộng thêm việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục…
Điều đó cho thấy, áp lực lạm phát không xuất phát từ yếu tố tiền tệ mà chủ yếu do chi phí đẩy. Sức ép lạm phát những tháng cuối năm chủ yếu cũng vẫn do các yếu tố này.
Theo đó, bên ngoài giá xăng dầu trên thị trường thế giới dự báo sẽ tiếp tục đứng ở mức cao; căng thẳng thương mại toàn cầu cũng khiến giá cả nhiều loại hàng hóa tăng; đồng USD tăng giá mạnh cũng tạo nhiều sức ép đến tỷ giá và lạm phát trong nước. Trong khi trong nước tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp sẽ đẩy giá nhiều loại hàng hóa, thực phẩm tăng; nhiều địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình từ 1/9/2018; hay việc tăng lương cơ bản từ 1/7 nhưng tác động sẽ đến vào các tháng sau đó…
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, sức ép lạm phát còn lớn, nhất là trong bối cảnh lãi suất thế giới đang tăng, tỷ giá tăng, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và đặc biệt, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc đang diễn ra… “Nếu chỉ lo tăng trưởng mà không lo lạm phát thì không ổn định, nhất là đời sống công nhân, nông dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thế nhưng cũng bởi lạm phát không xuất phát từ yếu tố tiền tệ mà chủ yếu do chi phí đẩy, nên để kiềm chế lạm phát, một mình nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là không đủ, mà rất cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát giá cả thị trường; việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Đó chính là lý do mà tại phiên họp diễn ra hồi giữa tháng 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định chưa biểu quyết thông qua việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Hay như việc Chính phủ quyết định chưa xem xét điều chỉnh giá điện và giá một số dịch vụ công thiết yếu do Nhà nước quản lý.
Mặc dù vậy, về phía mình NHNN cũng xác định kiểm soát lạm phát là ưu tiên số một hiện nay. Tại Chỉ thị 04/CT-NHNN vừa được ban hành mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã yêu cầu Chủ động điều hành linh hoạt, đồng bộ các côngcụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Đặc biệt, NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra; không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng…
Với tất cả những nỗ lực đó, hoàn toàn có thể kỳ vọng lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát dưới 4% như mục tiêu đã đề ra.