Margin có dấu hiệu tăng
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bạch Quốc Vinh, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, dư nợ margin tại HSC hiện ở mức trên 3.400 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu tháng 7/2018. “Room” cho vay của HSC khá dồi dào, tuy nhiên, Công ty sẽ có chính sách cho vay phù hợp với từng giai đoạn của thị trường, đưa ra tỷ lệ cho vay phù hợp đối với từng mã cổ phiếu.
Dư nợ margin tại một số công ty chứng khoán lớn khác ở thời điểm hiện nay ghi nhận tăng nhẹ so với đầu tháng 7/2018. Tuy vậy, nếu so sánh với thời điểm thị trường chứng khoán đạt đỉnh (đầu tháng 4/2018), dư nợ giảm bình quân 30% và chỉ nhích nhẹ so với thời điểm đầu năm 2018.
Hiện Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vẫn dẫn đầu khối công ty chứng khoán về dư nợ margin, trên 6.000 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đang có dư nợ margin trên 4.000 tỷ đồng…
Ở khối công ty chứng khoán có quy mô vừa, margin cũng có dấu hiệu tăng. Chẳng hạn, dư nợ margin tại Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) hiện cán mốc 1.000 tỷ đồng, tăng 15% so với thời điểm cuối tháng 6/2018.
Margin lâu nay vẫn là công cụ góp phần gia tăng thị phần môi giới và mang lại nguồn thu đáng kể cho các công ty chứng khoán. Nhiều công ty cho biết, dư địa cho vay margin vẫn còn rất lớn, nhưng ở khía cạnh đảm bảo an toàn cho thị trường, công ty không cho vay bằng mọi giá.
Thậm chí, một số công ty chứng khoán có quan điểm thắt chặt hơn, thể hiện ở việc điều chỉnh tỷ lệ vay theo hướng giảm đối với các cổ phiếu có “nghi vấn” như giá tăng nhanh trong một thời gian ngắn, hay hoạt động kinh kinh doanh của doanh nghiệp có “vấn đề”. Thời gian gần đây, một số mã cổ phiếu “nóng” như HAG, HSG đã bị không ít công ty chứng khoán hạ thấp tỷ lệ cho vay ký quỹ, thậm chí cắt khỏi danh mục cho vay.
Một số nhà đầu tư chia sẻ, nhu cầu vay margin luôn hiện hữu, nhưng vốn vay sẽ mang lại hiệu quả khi thị trường chứng khoán bước vào thời kỳ giao dịch sôi động và giá có xu hướng tăng.
Trong một tháng qua, thị trường nhìn chung có diễn biến hồi phục nhẹ, VN-Index được kỳ vọng đạt ngưỡng 1.000 điểm trong tháng 8, nên họ có sử dụng một phần margin. Tuy nhiên, vài phiên gần đây, xu hướng thị trường khó đoán định, nên nhà đầu tư lại e dè trong việc sử dụng margin.
Đa dạng, linh hoạt sản phẩm margin
Margin mang lại nguồn thu không nhỏ đối với các công ty chứng khoán, nhất là các công ty trong tốp đầu về thị phần môi giới. Thế nên, việc xây dựng cơ chế cho vay margin tại các công ty chứng khoán khá linh hoạt, không “đóng đinh” ở một quy định cụ thể, nhằm thu hút đa dạng nhà đầu tư sử dụng vốn vay.
Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho biết, công ty duy trì cho vay đối với những cổ phiếu và tỷ lệ nằm trong quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng khách hàng lớn (khách VIP) được duyệt theo tỷ lệ “lỏng” hơn, tùy vào từng loại cổ phiếu và xét tại thời điểm cụ thể.
Thậm chí, bằng mối quan hệ, môi giới có thể mời khách hàng tại công ty khác cầm cố cổ phiếu để vay tiền đầu tư với lãi suất thấp. Hình thức sẽ là chuyển chứng khoán đang ở trong tài khoản về thông qua mua – bán thỏa thuận, sau đó dùng số cổ phiếu đó cầm cố vay đầu tư mới.
Không chỉ linh hoạt trong phương thức, các sản phẩm margin cũng được nhiều công ty chứng khoán thiết kế mới nhằm mục tiêu đa dạng sản phẩm giao dịch ký quỹ cho nhà đầu tư sử dụng. Ví dụ, TVSI vừa ra mắt sản phẩm mới Active Margin.
Theo TVSI, giao dịch ký quỹ Active Margin là sản phẩm đòn bẩy tài chính thông minh cho các nhà đầu tư giao dịch thường xuyên để giảm thiểu chi phí vay. Khách hàng sử dụng sản phẩm có thể tối ưu lãi suất khoản dư nợ, thậm chí về mức 0%/năm thông qua mua – bán linh hoạt gối đầu nhau trong các ngày giao dịch.
Sản phẩm Active Margin được thiết kế phù hợp với khách hàng có tần suất giao dịch cao hàng ngày, sở hữu danh mục nhiều loại chứng khoán, mua bán theo kiểu gối nhau.
Bên cạnh đó, TVSI áp dụng tỷ lệ ký quỹ hấp dẫn, danh mục cho vay đa dạng với mức lãi suất cạnh tranh. Mức lãi suất này sẽ dao động tùy theo ngày T.
“Nếu khách hàng trả trước ngày T+4 sẽ được miễn lãi suất, trong khi từ thời điểm T+8 đến T+15 sẽ dao động từ 9,9 – 15,49%/năm”, đại diện TVSI nói.
Với Công ty Chứng khoán VNDRIECT, công ty này đang áp dụng mức lãi suất cho vay 13,5%/năm và thay đổi theo từng thời kỳ. Lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn với hạn mức cấp lần đầu 5 tỷ đồng và xét tăng hạn mức trong quá trình giao dịch, tỷ lệ cho vay dao động từ 10 – 50%.
VNDIRECT cho biết, trong danh mục công bố đầu tháng 8/2018 của Công ty, có 221 mã chứng khoán được sử dụng margin, nhưng Công ty sẽ điều chỉnh danh mục theo tình hình thị trường, đặc biệt chứng khoán chờ về và chứng khoán vừa khớp lệnh đều được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay, trong khi tiền bán chứng khoán chờ về được tính vào sức mua mà không cần thực hiện ứng trước tiền bán. Đồng thời, Công ty cho phép đảo nợ các khoản vay.
Tại Công ty Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE), Công ty đang cung cấp cho khách hàng sản phẩm cho vay tài chính có tên gọi Smart 12, áp dụng mức lãi suất khoảng 9%/năm.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán khác cho hay, sản phẩm dịch vụ tài chính mà công ty đang cung cấp được chia thành nhiều phân khúc khác hàng khác nhau, từ đó công ty sẽ đưa ra cơ cấu phù hợp với từng đối tượng, bao gồm 3 loại là margin thông thường, margin linh hoạt và margin dành cho những đối tượng khách hàng riêng.
Lãi suất theo đó được áp dụng khác nhau, từ 0,0275%/ngày đến 0,034%/ngày. Công ty quy định mức lãi suất giao dịch margin là 13%/năm, nhưng khách hàng lớn có thể được áp dụng với mức 10 – 11%/năm. Việc giảm lãi suất margin nhiều khi dựa trên thương lượng giữa khách hàng với lãnh đạo công ty.