Thách thức lớn
Không phải ngẫu nhiên mà những tháng gần đây, khi nói tới các thách thức của nền kinh tế trong năm 2018, các chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh mối quan ngại về nguy cơ lạm phát vượt mục tiêu Chính phủ đặt ra trong năm nay.
Trong 6 tháng đầu năm, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tuy lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát (3,29%, thấp hơn mức 4,15% của cùng kỳ), song liên tiếp trong tháng 5 và 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng mạnh so với tháng trước đó (tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%).
“Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi báo cáo Chính phủ đã nhấn mạnh điều này, nhất là khi diễn biến kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều dấu hiệu sẽ tác động tới giá cả thị trường. Đó là giá dầu tăng cao, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang căng thẳng và nguy cơ lan rộng sang nhiều quốc gia khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã và sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD, xu hướng tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong nước, từ giá dịch vụ y tế, giáo dục, đến giá điện, xăng dầu…
Một điểm đáng chú ý khác, như Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã khẳng định tại phiên họp cách đây một tuần, lạm phát cao trong tháng 6 vừa qua chủ yếu là do giá thịt lợn tăng mạnh. “Nếu loại trừ yếu tố giá thịt lợn, thì CPI tháng 6 chỉ tăng 0,27%”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Trong đánh giá của Viện Nghiên cứu và Chính sách (VERP), lạm phát trong quý II/2018 gia tăng chủ yếu do giá thực phẩm phục hồi mạnh mẽ, cùng với sự gia tăng liên tục của giá nhiên liệu. Việc lạm phát năm nay tăng cao hay không đang phụ thuộc khá lớn vào hai mặt hàng này.
Có cùng quan điểm, chuyên gia Ngô Trí Long thậm chí còn ví giá thịt lợn và giá xăng như những “ẩn số” đối với lạm phát của Việt Nam trong năm 2018. Vị chuyên gia này đặt ra hai kịch bản lạm phát, đều liên quan tới giá xăng dầu và thịt lợn. Đó là, nếu giá xăng dầu và thịt lợn chỉ neo ở mức như hiện nay, thì lạm phát trung bình cả năm sẽ ở mức 3,4 – 3,5%. Còn nếu hai ẩn số này tiếp tục tăng giá, thì lạm phát trung bình cả năm sẽ ở mức 3,8 – 3,9%.
Làm sao kiểm soát lạm phát dưới 4%?
Có một điểm chung, đó là trong các kịch bản lạm phát mà ông Ngô Trí Long đưa ra, kể cả các kịch bản lạm phát của Tổng cục Thống kê hay Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) xây dựng, đều bảo đảm lạm phát tăng cao nhất cũng chỉ khoảng 4%, nghĩa là đạt được mục tiêu mà Quốc hội đã quyết nghị.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu không được để lạm phát năm 2018 vượt mức 4%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều dấu hiệu bất ổn, thì đây là một bài toán không đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn trong điều hành giá cả thị trường.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đưa ra dự báo rằng, lạm phát Việt Nam năm nay sẽ ở mức dưới 4%, tăng trưởng kinh tế 6,6%, song cũng đã cảnh báo về những thách thức ngắn hạn và dài hạn đối với nền kinh tế, từ chuyện đối đầu thương mại giữa các nền kinh tế lớn, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, ô nhiễm môi trường, sự già hóa của lực lượng lao động… và quan trọng nhất là chuyện ổn định vĩ mô.
“Việt Nam cần có chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với những chấn động bất ngờ bên trong và bên ngoài. Việt Nam nên chuyển dịch dần chính sách tiền tệ từ dựa trên điều hành tỷ giá, sang ổn định lạm phát mục tiêu. Điều này có thể đòi hỏi vài năm, nhưng hy vọng dần dần sẽ tạo thêm độ linh hoạt cho tỷ giá, khi đó, nền kinh tế có thể dễ dàng hơn trong ứng phó với các cú sốc”, IMF khuyến cáo.
Theo IMF, để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ nên được thắt chặt bằng cách giảm tăng trưởng tín dụng nóng. Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt tỷ giá hối đoái để giảm đầu cơ.
Có chung quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam sẽ tác động lớn tới lạm phát của nền kinh tế. Do vậy, cần điều hành một cách linh hoạt, thận trọng, đặc biệt phải đến được đúng khu vực sản xuất – kinh doanh, thay vì đi vào các lĩnh vực như bất động sản, dễ tạo bong bóng, từ đó gây hệ lụy lớn đến nền kinh tế.
Một khía cạnh quan trọng khác, để “hóa giải” nỗi lo lạm phát, một điều luôn được khẳng định là phải thận trọng trong điều hành giá cả các dịch vụ, mặt hàng thiết yếu. Liên quan vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương bám sát kịch bản điều hành giá từ nay tới cuối năm, từ giá thuốc, giá dịch vụ y tế, đến giá dịch vụ giáo dục.
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, đối với giá dịch vụ công do Nhà nước định giá, trong tháng 9 đã điều chỉnh tăng 0,07% học phí, thì phải tính toán kỹ việc điều chỉnh các mặt hàng khác trong tháng này; chưa tính toán điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ nay tới hết tháng 9.
Trong khi đó, với giá xăng dầu, thông tin cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án chia giai đoạn tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tăng cường sử dụng Quỹ Bình ổn để giảm giá xăng, hoặc có thể ngừng trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu trong một thời gian để góp phần giảm giá xăng dầu…