Nhà đầu tư, đặc biệt là những người sử dụng phân tích kỹ thuật, những người đầu tư dựa vào chỉ số không còn tin vào chỉ số VN-Index chỉ bởi một điều: ảnh hưởng của các cổ phiếu có trọng số quá lớn vào VN-Index đã làm cho nó méo mó, chỉ cần 4 “ông lớn” MSN, BVH, VIC và VNM tăng trần thì phần lớn cổ phiếu còn lại trên sàn có giảm sàn chăng nữa thì chỉ số cũng khó mà “đỏ” được.
Câu chuyện “xanh vỏ đỏ lòng” diễn ra trong vòng nhiều tháng, tác động của nó tệ hại đến mức người ta chỉ nhìn vào HNX-Index để đánh giá thị trường. Và mới đây, nhà đầu tư đã rất háo hức kỳ vọng vào chỉ số VN-30 do Sở GDCK TP. HCM công bố bởi kỳ vọng nó sẽ đại diện được cho thị trường và xoá bỏ được cái bất hợp lý vốn có.
Tuy nhiên, có lẽ mọi thứ không được như kỳ vọng, bởi khi nhìn vào kết cấu của VN-30, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy cũng chỉ 4/30 cổ phiếu đã chiếm khoảng 38% trọng số của VN-30.
Bởi chiếm trọng số quá lớn, tôi nghĩ rằng 4 cổ phiếu trong nhóm 30 này có thể sẽ tiếp tục làm “méo mó” chỉ số mới và nhà đầu tư lại tiếp tục nhìn vào chỉ số “HNX-Index” mà đoán thị trường?
Tôi tự hỏi, phải chăng không có cách nào để giải quyết vấn đề này? Theo tôi được biết, thường người ta xây dựng chỉ số theo 2 tiêu chí: một là trung bình cộng – cách tính cổ điển nhưng cực kỳ hiệu quả như Dow Jones hiện nay; hai là cách tính theo trọng số mà Việt Nam chúng ta đang sử dụng. Tự hỏi rằng trước những bất cập của cách tính chỉ số hiện tại, tại sao chúng ta không sử dụng cách tính cực kỳ đơn giản mà hiệu quả của Dow Jones? Một cách tính đã có hàng trăm năm mà vẫn thể hiện được giá trị cơ bản của nó, vẫn đưa tới một góc nhìn rất khách quan về thị trường mà tại sao chúng ta lại không sử dụng?
Trước những mong đợi hết sức cơ bản của giới đầu tư, đó là tạo cho họ một thị trường, một sân chơi khách quan, một chỉ số đại diện được cho thị trường, tôi mong rằng HOSE sẽ tạo ra được những bộ chỉ số có tính thiết thực hơn VN-Index hiện nay.