Thanh khoản thừa, nhưng vốn dài quá mỏng
Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động, đặc biệt là kỳ hạn trung, dài hạn. Bên cạnh đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng gấp 4-5 lần trong vòng 2 tháng gần đây, lượng giao dịch tăng vọt. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoánBảo Việt (BVSC), điều này cho thấy, thanh khoản của hệ thống đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định, thanh khoản hệ thống đang rất tốt. Thậm chí, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB còn cho rằng, thanh khoản ngân hàng đang dư giả. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không nới hạn mức tín dụng cho một số nhà băng như năm ngoái thậm chí còn khiến tình trạng dư giả này tăng thêm trong những tháng cuối năm.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng không có dấu hiệu căng thẳng và không phải là nguyên nhân để các nhà băng đẩy lãi suất lên cao. Nguyên nhân chính để ngân hàng tăng lãi suất huy động, ngoài việc duy trì cạnh tranh trên thị trường huy động, chuẩn bị nguồn vốn để cho vay cuối năm, còn do ngân hàng đang khát vốn trung, dài hạn. Theo quy định của Thông tư 19/2017//TT-NHNN, từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm chỉ còn 40%, thay vì 45% như năm nay.
Được biết, các ngân hàng đang cho vay trung, dài hạn chiếm tới 53-54% tổng dư nợ tín dụng, song huy động vốn trung, dài hạn mới chỉ đạt 30%. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN, dù huy động vốn trung, dài hạn đã cải thiện nhiều so với 5-6 năm trước (chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng vốn huy động), song áp lực cho vay trung, dài hạn vẫn lớn và các tổ chức tín dụng phải đối mặt với rủi ro về chênh lệch kỳ hạn.
Lãi suất huy động tăng dường như cũng không nằm ngoài ý muốn của NHNN. Bên cạnh việc khuyến khích ngân hàng cơ cấu lại kỳ hạn huy động, NHNN cũng tỏ ra hết sức cảnh giác với lạm phát và bắt đầu có dấu hiệu siết chặt tiền tệ. Không chỉ Việt Nam, thời gian gần đây, hàng loạt quốc gia trên thế giới cũng bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Lãi suất tăng là lá chắn cho tỷ giá
Lãi suất nhấp nhổm tăng khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại mặt bằng lãi suất cho vay sẽ sớm bị ảnh hưởng. Song đối với tổng thể nền kinh tế, việc lãi suất huy động được điều chỉnh nhẹ là rất cần thiết để duy trì độ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD.
“Trong bối cảnh tỷ giá đứng trước nhiều áp lực như hiện nay, việc tăng lãi suất để đảm bảo sức hấp dẫn của tiền đồng là rất phù hợp. Bởi nếu tiền đồng mất giá, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ bị phá vỡ, niềm tin suy giảm, dòng vốn tháo chạy”, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất thêm 5 lần nữa. Trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến USD không ngừng tăng giá. Nếu xu hướng này tiếp diễn, thì tâm lý đầu cơ, tích trữ USD sẽ quay trở lại. Do đó, để người dân không ồ ạt chuyển sang nắm giữ tiền đồng, các ngân hàng buộc phải tăng nhẹ lãi suất huy động.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán HSC nhận định, lãi suất tăng là yếu tố tích cực đối với thị trường ngoại tệ. Cụ thể, lãi suất tăng khiến đầu cơ USD trở nên đắt đỏ hơn, lợi nhuận kém hấp dẫn hơn, từ đó góp phần giảm đà tăng của tỷ giá.
Mặc dù lãi suất huy động tăng, song theo nhận định của nhiều chuyên gia, xu hướng này sẽ không kéo dài và sẽ tác động không đáng kể đến lãi suất cho vay do Chính phủ đang quyết tâm ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Về phía NHNN, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cam kết, thời gian tới, cơ quan này sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá theo hướng đảm bảo giá trị của tiền đồng, khiến người nắm giữ tiền đồng luôn có lợi nhất so với nắm giữ các loại ngoại tệ khác.