Theo chia sẻ của một chuyên gia kinh tế, lãi suất đi theo tính chu kỳ. Theo đó, cứ đến quý IV hàng năm, thanh khoản tại các ngân hàng có phần biến động do DN rút tiền để thanh toán, trả lương, thưởng Tết, chi phí thường xuyên và cá nhân cũng đồng loạt rút tiền để chi tiêu thời điểm cuối năm. Điều này dẫn đến việc rút tiền ra khỏi ngân hàng rất lớn.
Và để bù đắp cho thâm hụt đó, ngay từ thời điểm này các ngân hàng đã bắt đầu thiết kế và tung ra nhiều chương trình huy động mới để thu hút người gửi tiền. Trong đó, các ngân hàng thường chọn cách dễ nhất là tăng lãi suất, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ và hạng trung thường đưa ra chương trình lãi suất hấp dẫn hơn cả.
Quả vậy, tăng lãi suất luôn là công cụ mà các ngân hàng này thường dùng để huy động bù đắp thanh khoản. Nhưng như vị chuyên gia trên nhận định, đây chỉ là diễn biến mang tính chu kỳ, không có gì đặc biệt. Hơn nữa thời điểm này các ngân hàng còn phải bám sát chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ nên nhiều ngân hàng phải thiết kế nhiều gói giải pháp tối ưu nhất, sao cho phù hợp với mục tiêu của Chính phủ, mà vẫn đảm bảo được tính hấp dẫn trong mắt người gửi tiền.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn cũng đang được giảm dần và sẽ giảm còn 40% từ đầu năm 2019 nên cần phải huy động vốn dài hạn để có thể đáp ứng tỷ lệ đó. Thêm một điều nữa, các ngân hàng cũng biết lãi suất huy động ngắn hạn không thể tăng quá cao do vướng trần lãi suất, còn tăng lãi suất dài hạn không bị khống chế. Vì thế, “một công đôi việc”, ngân hàng tăng lãi suất trung dài hạn để vừa hút vốn để giải quyết thanh khoản vừa tăng được vốn trung và dài hạn để đáp ứng tỷ lệ.
Về mặt kinh doanh, hiện các ngân hàng đang tự điều chỉnh theo tín hiệu thị trường. Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn dài vẫn là điểm nhấn mà các ngân hàng muốn người gửi tiền chú ý. Theo đó, nhiều ngân hàng đã bắt đầu ra chương trình tiết kiệm mới, cộng thêm lãi suất ở một số kỳ hạn dài để thu hút người gửi.
Là người nhận được lãi suất cộng thêm 0,3% ở kỳ hạn 13 tháng tại Kienlongbank, chị Xuân cho biết chị đang khá vui. Theo chị Xuân, thực tế, biểu lãi suất niêm yết đối với tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tại ngân hàng này 7,3%/năm nhưng khi gửi tiền, chị đã được ưu đãi cộng thêm 0,3% để được hưởng mức lãi suất trên.
So sánh trên thị trường, có thể Kienlongbank đang có mức lãi suất cộng thêm khá cạnh tranh. Tuy nhiên, đây không phải là ngân hàng duy nhất cộng thêm lãi suất mà rất nhiều ngân hàng đang áp dụng chính sách này để thu hút tiền gửi.
Thí dụ, Chương trình “Sinh nhật vàng – Ngàn lợi ích” được HDBank áp dụng cho khách hàng tham gia sản phẩm tiền gửi tiết kiệm thông thường bằng VND, kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng, lĩnh lãi định kỳ hoặc cuối kỳ. Mức lãi suất cộng thêm áp dụng tối đa là 0,5%/năm, lãi suất tối đa cho khoản gửi tiết kiệm là 7,5%/năm. Bên cạnh đó, HDBank còn áp dụng chính sách cộng thêm lãi suất này cho khách hàng gửi tiết kiệm trong tháng sinh nhật của HDBank (tháng 1 hàng năm).
BIDV cộng thêm lãi suất 0,3%/năm cho các kỳ hạn dưới 12 tháng, 0,1% với các kỳ hạn trên 12 tháng. PVCombank, có mức cộng thêm từ 0,05-0,2%/năm. Eximbank cho biết cộng thêm lãi suất 0,1%, những khách hàng đến hạn 15 tháng và gửi lại kỳ hạn 18, 24, 36 tháng theo chương trình này cũng được tặng thêm 0,1%. Ngoài ra, nếu số tiền lớn thì khách hàng sẽ được cộng thêm 0,2-0,6% cho kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Hiện CB cũng là ngân hàng có mức ưu đãi cộng thêm lãi suất hấp dẫn từ 0,05-0,1% so với biểu lãi suất được công bố…
Cùng với chính sách lãi suất cộng thêm nói trên, để khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm công nghệ và tiện ích, cũng như thúc đẩy các giao dịch không dùng tiền mặt, nhiều ngân hàng cho biết miễn phí toàn bộ phí đăng ký, phí sử dụng dịch vụ thường niên cho khách hàng ở dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking; miễn phí chuyển tiền nhận ngay trên Internet Banking, miễn phí rút tiền tại ATM kèm theo gói gửi tiết kiệm. Theo đó, người gửi tiền có thể lựa chọn thời điểm thích hợp cũng như chọn sản phẩm tiết kiệm tốt nhất để gửi nhằm hưởng lợi tối ưu.