Ưu đãi kỳ hạn dài
Tại VietinBank, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng còn 4,1%/năm; kỳ hạn 4 – 5 tháng còn 4,6%/năm; các kỳ hạn từ 6 – 11 tháng ở mức 5,5%/năm. Trong khi ở các kỳ hạn trung và dài hạn có sự khác biệt lớn, kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,8%/năm, trên 36 tháng, lãi suất là 7%/năm.
Còn tại Eximbank, kỳ hạn 1 tháng có lãi suất 4,6%/năm, 2 tháng là 4,8%/năm và 3 tháng là 5%/năm. Trong khi các kỳ hạn dài, ngân hàng này lại tăng lãi suất khá mạnh, duy trì sự cách biệt lớn so với kỳ hạn ngắn như với kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6,8%/năm, kỳ hạn 24 và 36 tháng duy trì ở mức 8%/năm…
Bên cạnh đó, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, giao dịch viên tại một ngân hàng cho biết, nếu gửi tiết kiệm trên 1 tỷ đồng với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất niêm yết là 5,3%/năm, nhưng nhân viên này sẽ xin cơ chế cho khách hàng hưởng lãi suất là 6%/năm. Tương tự, với kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng đang niêm yết lãi suất 6,3%/năm nhưng có cơ chế để nâng lên là 7%/năm.
Khi thắc mắc tại sao ngân hàng cộng thêm nhiều lãi suất ngoài như vậy, câu trả lời nhận được là: “Không chỉ ở đây mà hiện tại, nhiều nhà băng đều cộng thêm lãi suất ngoài cho khách hàng”.
Quả thực, giao dịch viên tại một ngân hàng khác cho biết, lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng được ngân hàng này niêm yết là 7%/năm. Nhưng với món tiền gửi 1 tỷ đồng trở lên, khách hàng sẽ được cộng ngay lãi suất 0,1%/năm, chưa kể các chương trình ưu đãi khác như: khách hàng hạng bạc (silver) được cộng lãi suất 0,05%/năm, khách hàng vàng (gold) 0,1%/năm, kim cương (diamond) 0,15%/năm. Trong trường hợp khách hàng gửi tiết kiệm 5 tỷ đồng, ngoài lãi suất 7%/năm, cộng lãi suất hạng diamond 0,15%/năm, khách hàng còn được cộng thêm lãi suất 2%/năm.
Thêm một trường hợp khác, nhân viên giao dịch cho biết: “Lãi suất niêm yết gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng là 6,9%/năm, nhưng gửi tiết kiệm 1 tỷ đồng trở lên, khách hàng được cộng lãi suất 0,2%/năm. Nếu gửi trên 3 tỷ đồng sẽ được cộng lãi suất thêm là 0,3%/năm, kèm theo một phần quà tặng của ngân hàng”.
Về vấn đề này, giám đốc quan hệ khách hàng một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, Ngân hàng vừa niêm yết trên sàn chứng khoán với lượng cổ phiếu bán cho nhà đầu tư nước ngoài lớn, do đó, không lo ngại về nguồn vốn. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến ban lãnh đạo ngân hàng chủ trương không chi lãi suất ngoài mà tập trung cạnh tranh với ngân hàng bạn bằng chất lượng dịch vụ, sản phẩm.
“Trong khi ngân hàng bạn tặng thêm lãi suất ngoài cho khách mà mình không có, quả thực rất lo lắng. Bằng giờ này năm ngoài, tôi huy động được 200 tỷ đồng, nhưng năm nay chỉ còn một nửa. Quan trọng hơn nữa, một khi khách hàng đã đi, rất khó để “kéo” họ quay lại”, vị giám đốc nói.
Huy động từ dân cư
Báo cáo trái phiếu tuần của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, tuần từ 11/6 – 15/6/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành 27.400 tỷ đồng tín phiếu mới loại 28 ngày, trong khi lượng vốn đáo hạn qua kênh này đạt 8.400 tỷ đồng. Như vậy, tuần vừa qua, NHNN đã hút ròng 19.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, cho thấy thanh khoản toàn hệ thống đang có phần dư thừa hơn so với các tuần trước đó.
Lý giải cụ thể hơn cho việc thanh khoản hệ thống đang dư dả, giám đốc kinh doanh tiền tệ một ngân hàng phân tích, từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua 11 tỷ USD, nghĩa là bơm ra thị trường khoảng 250 nghìn tỷ đồng, cộng 110 nghìn tỷ đồng từ bán cổ phần của Sabeco, tổng cộng trên hệ thống có khoảng 360 nghìn tỷ đồng. Trên thị trường liên ngân hàng vẫn thừa tiền, nhưng đây là cho khoản vay ngắn hạn và đảm bảo thanh toán, còn việc cho vay khách hàng, nguồn tiền phải đến từ huy động trên thị trường dân cư.
“Trong những năm qua, năm nào tăng trưởng tín dụng cũng cao. Các ngân hàng tập trung đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng sẽ buộc phải nâng lãi suất huy động, nhất là với các kỳ hạn dài 6 tháng, 12 tháng trở lên. Bên cạnh đó còn là câu chuyện “sức khỏe” của từng ngân hàng khác nhau dẫn đến phương thức huy động vốn khác nhau.
Chưa kể, dù thanh khoản của hệ thống dồi dào, nhưng không phải thanh khoản của ngân hàng nào cũng tốt. Một điểm rất bình thường nhưng thực tế là bất thường, đó là lãi suất trên thị trường 1 và thị trường 2 ở Việt Nam vẫn gần như không có mối liên hệ”, vị giám đốc trên nói.