Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận tầm ảnh hưởng của động thái này không đáng kể, chỉ thể hiện nguồn vốn ở các nhà băng đang dư thừa do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu siết vốn tín dụng vào bất động sản.
Giảm lãi suất huy động
Báo cáo thống kê của NHNN ngày 11-15/6 cho thấy mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/ năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/ năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm.
Khảo sát biểu lãi suất ở một số ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và NHTM cổ phần cho thấy, mức lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn 1-12 tháng giảm nhẹ.
Cụ thể, tính đến ngày 26/6, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại BIDV, Vietcombank chỉ còn 4,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 4,6%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 5,1%/năm.
Một số NHTM cổ phần như Techcombank cũng vừa giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn với mức giảm 0,2 – 0,3%/năm.
Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng còn 4,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng còn 4,6%/năm. Các kỳ hạn 6-11 tháng giảm còn 5,5%/năm, thay vì mức 5,8%/năm trước đó.
Sacombank cũng điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất kỳ hạn 2 tháng có dự thưởng về mức 5,2%/năm.
Nếu như thời gian trước, việc giảm lãi suất huy động chỉ lẻ tẻ ở vài ngân hàng nhỏ do thanh khoản hạn hẹp, đến nay, việc giảm lãi suất huy động có sự đồng thuận của các ngân hàng. Điều này cho thấy lãi suất huy động giảm chủ yếu do thanh khoản ngân hàng đang dồi dào.
Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, huy động vốn bằng VND đã tăng 7,4% – cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2017.
Theo phân tích của các chuyên gia, các ngân hàng đang cơ cấu lại nguồn vốn do tín dụng dành cho sản xuất kinh doanh đang có xu hướng tăng chậm lại, tín dụng bất động sản đang bị “siết”. Vì vậy, các ngân hàng đang dư thừa nguồn vốn nên buộc phải giảm bớt lãi suất huy động.
Thực tế, hầu hết các ngân hàng chỉ điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn, còn các kỳ hạn dài vẫn “neo” ở ngưỡng cao. Cụ thể, ở kỳ hạn 12-36 tháng, lãi suất huy động của BIDV là 6,9%/năm, Vietcombank là 6,5%/ năm. Ở kỳ hạn 15-35 tháng, Sacombank niêm yết ở mức 7%/năm, trên 36 tháng là 7,4%/năm.
Trước động thái giảm lãi suất huy động ở các ngân hàng, các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay theo định hướng của Chính phủ.
Khi nào có thể giảm lãi vay?
Các chuyên gia cho rằng mức giảm lãi suất huy động hiện nay khá hạn hẹp, chưa đủ đà để các tổ chức tín dụng giảm lãi vay. Chuyên gia kinh tế ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích, nếu đà giảm lãi suất huy động mạnh hơn thì mới mong giảm lãi suất cho vay.
“Không phải cứ giảm lãi suất huy động 1% thì lãi cho vay cũng sẽ giảm theo ở mức 1%, bởi việc giảm lãi vay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chi phí lao động, đầu tư công nghệ thông tin, chi phí hoạt động…”, ông Hiếu nói.
Để lãi suất cho vay giảm, không chỉ giảm lãi suất huy động, các ngân hàng phải cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn hợp lý, tiết kiệm chi phí, xử lý được các khoản nợ xấu…
Các chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, việc giảm lãi suất cho vay đối với các ngân hàng vẫn là bài toán khó. Nếu có giảm thì các lĩnh vực ưu tiên sẽ giảm trước, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro sẽ khó được điều chỉnh, bởi NHNN không khuyến khích cho vay đối với các lĩnh vực này.
Tại cuộc họp báo tổng kết 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết từ nay tới cuối năm, bao giờ nhu cầu tín dụng cũng tăng cao hơn so với những tháng đầu năm, trong lộ trình và diễn biến của lạm phát hiện nay, NHNN vẫn theo dõi rất sát để có thể điều hành.
“Gần đây một số NHTM lớn có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản của hệ thống vẫn tiếp tục dư thừa. Đây là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay”, Phó Thống đốc cho hay.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết mặt bằng lãi suất trong những tháng đầu năm 2018 được giữ ổn định, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm, trong đó một số ngân hàng đã giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt.
Đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có mức tín nhiệm cao, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ khoảng 4-5%/năm.