Áp lực lạm phát lớn…
Không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018, kể cả thuế môi trường xăng dầu, cải cách thuế, không điều chỉnh giá một số loại hàng hoá, dịch vụ công, như giá điện, kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ, y tế…
Không thay đổi chính sách tiền tệ đề ra từ đầu năm, không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể.
Đó là kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 mới đây.
Nhìn nhận trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều thách thức như hiện nay, giới chuyên gia đều chung quan điểm, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7 giảm nhẹ nhưng kỳ vọng lạm phát vẫn còn lớn.
Một chuyên gia kinh tế chia sẻ, CPI tháng 7 giảm 0,09% so với tháng trước là mức giảm rất nhẹ, không tạo thành xu thế có thể xoay chuyển được tình hình lạm phát cả năm.
Với tình hình lạm phát từ đầu năm tới nay, lạm phát kỳ vọng cả năm theo chuyên gia này vẫn chịu nhiều áp lực. Giữ lạm phát ở mức không quá 4% thực sự là một thách thức không nhỏ.
Bên cạnh sức ép lạm phát, nền kinh tế còn hứng chịu tác động không nhỏ từ căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc. Dù chưa thể biết rằng chiến tranh thương mại này sẽ sớm kết thúc hay không nhưng có thể thấy tác động từ cuộc chiến tranh này ít nhất là trung hạn với nền kinh tế toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia lệ thuộc tương đối lớn vào xuất khẩu, nếu hai quốc gia này vẫn tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch thì dĩ nhiên những thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Một mặt, Việt Nam có thể sẽ trở thành thị trường thu hút một lượng lớn hàng hoá từ các quốc gia có ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu từ Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Khi đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi một lượng hàng hoá phong phú với giá rẻ. Song mặt khác, điều này cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh với hàng hoá nội địa.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, chưa thể định đoán kinh tế Việt Nam lợi ròng hay thiệt hại ròng, nhưng chắc chắn sẽ có tác động ở cả hai chiều.
Tuy nhiên, chia sẻ sự đồng tình với kết luận của người đứng đầu Chính phủ, vị chuyên gia trên nhận thấy việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế ở thời điểm này là chưa cần thiết. Bởi những biến động trong thời gian tới của kinh tế thế giới sẽ là rất khó lường, bất cứ điều chỉnh nào dù nhỏ cũng có thể sẽ không phù hợp với tình hình thực tế.
“Vấn đề của Việt Nam không phải là vấn đề điều chỉnh, mà nằm ở việc làm sao điều hành chính sách cho phù hợp. Có điều chỉnh hay không, thì vai trò của Ngân hàng Nhà nước vẫn phải đảm bảo thực hiện chính sách, mục tiêu đề ra, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mức 6,7% và kiểm soát lạm phát không quá 4%”, vị này nhìn nhận.
Các chuyên gia cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã có sự linh hoạt trong việc điều hành chính sách của mình trong 7 tháng qua. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã rất chủ động trong việc bám sát thị trường, có những động thái điều hành phù hợp với thị trường.
Việc Ngân hàng Nhà nước duy trì điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt của mình đảm bảo mục tiêu đặt ra lại càng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
… đè nặng lên lãi suất
Lạm phát và lãi suất là mối quan hệ thuận chiều. Hay nói cách khác là khi lạm phát tăng sẽ kéo lãi suất tăng theo, dù có thể lạm phát không hẳn là yếu tố quyết định. Quan sát trong thời gian qua, mỗi lần lạm phát có dấu hiệu nhích lên, thì chưa tính tới yếu tố kinh tế, chỉ xét riêng về góc độ tâm lý cũng đã đủ khiến lãi suất có cơ hội tăng thêm. Áp lực lãi suất từ nay tới cuối năm chắc chắn sẽ rất lớn, vì quý 4 hàng năm mới là thời gian “căng thẳng” nhất.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính nhận thấy, đây là bài toán không mới, áp lực năm nào cũng có. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay thì thách thức sẽ lớn hơn một chút.
Dù sau cuộc họp hai ngày 31/7 – 1/8 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên mức lãi suất hiện hành 1,75 – 2,0%; nhưng cơ quan này dự kiến sẽ tăng lãi suất tại phiên họp tháng 9 tới do GDP tăng nóng.
Khi nền kinh tế Mỹ có sự tăng trưởng tốt, cũng không loại trừ khả năng cơ quan này ngay trong một lần tăng có thể tăng lãi suất trên 0,25%. Đi cùng với đó là áp lực từ việc phá giá đồng tiền của một số quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia nằm trong giỏ tiền tệ. Điều này sẽ tạo áp lực không nhỏ đến tỷ giá và lạm phát, kéo theo sự gia tăng của lãi suất tại Việt Nam.
Kỳ vọng lạm phát tăng thường sẽ dẫn tới các ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát. Dù từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước có kêu gọi giảm lãi suất nhưng thực tế càng đi sâu vào năm 2018, những thách thức diễn biến của kinh tế toàn cầu càng khó lường, sức ép lên lãi suất càng lớn. Với mặt bằng lãi suất toàn cầu đang trong xu hướng tăng, lãi suất của Việt Nam cũng khó mà đi ngược lại.
Hơn nữa trong bối cảnh lãi suất USD đang được giữ ở mức 0%, có nghĩa không thể giảm thêm được nữa, khiến mặt bằng lãi suất VND cũng khó có thể giảm thêm bởi cần phải duy trì một độ chênh đáng kể so với lãi suất USD để gia tăng vị thế cho tiền đồng và giảm áp lực đối với tỷ giá.
“Lãi suất cho vay cũng sẽ khó giảm hơn, bởi nếu Ngân hàng Nhà nướcmuốn kiểm soát lạm phát một cách chặt chẽ sẽ phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất theo đó sẽ phải tăng chứ không giảm. Từ nay tới cuối năm, khả năng cao hơn cả là mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng”, một chuyên gia chia sẻ.
Khi lãi suất tăng, dưới góc độ thị trường cầu tín dụng sẽ giảm xuống. “Vấn đề là lãi suất sẽ tăng, giảm ở lĩnh vực nào? Nếu có giảm, cũng không thể giảm trên toàn bộ các lĩnh vực mà phải cân đối với những lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh. Cơ quan điều hành hoàn toàn có thể điều chỉnh được chuyện này, để giảm thiểu tín dụng rót quá nhiều vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tăng trưởng tín dụng sẽ không quá nóng mà vẫn tập trung được vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh”, TS-LS. Bùi Quang Tín cho hay.