Tuy nhiên, người đi vay, đặc biệt là với các khoản vay trung dài hạn để đầu tư, tiêu dùng hoặc mua nhà đất cần lưu ý rủi ro lãi suất.
Đầu tiên là yếu tố lạm phát đang đối mặt với áp lực tăng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 đã tăng 0,61% so với tháng trước, đánh dấu tháng 6 có mức tăng cao nhất trong 7 năm qua, so với cùng kỳ 2017 đã tăng đến 4,67%, vượt mục tiêu 4% đề ra. Với xu hướng giá dầu tăng và điều chỉnh giá dịch vụ hàng hóa công thì lạm phát tăng cao trở lại gây áp lực lên mặt bằng lãi suất là điều tất yếu.
Thứ hai là tỷ giá liên tiếp đi lên trong những ngày qua có thể khiến các ngân hàng phải đối mặt với việc tăng lãi suất đầu vào để đủ sức duy trì sự hấp dẫn của tiền gửi. Rõ ràng với lãi suất đầu vào tăng sẽ tác động đến lãi suất cho vay đầu ra theo nguyên lý nước lên thuyền lên.
Trong bối cảnh các đồng tiền khác đều giảm giá khá mạnh so với USD, trong khi tiền đồng vẫn khá ổn định, thì áp lực làm sao cho tiền đồng không bị định giá quá cao làm ảnh hưởng đến xuất khẩu và cũng không bị phá giá quá mạnh gây bất ổn lên kinh tế vĩ mô là vấn đề không đơn giản đối với nhà điều hành.
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng cũng đón nhận dòng tiền rất dồi dào từ tiền gửi của Kho bạc Nhà nước. Một phát biểu gần đây của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, số dư tài khoản của ngân sách và kho bạc trên hệ thống Ngân hàng Nhà nước trước đây chỉ có khoảng 50 tỷ đồng, đã tăng lên 90 tỷ và gần đây nhất đã tăng lên 150.000 tỷ đồng.
Lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tăng mạnh gần đây chủ yếu đến từ việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là thương vụ bán Sabeco được 110.000 tỷ đồng, tương ứng 5 tỷ USD.
Thông thường lượng tiền này nằm ở các ngân hàng, chủ yếu không kỳ hạn hoặc kỳ hạn ngắn với lãi suất thấp, do đó một số ngân hàng rất được lợi và có cơ hội giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, nếu như đến lúc nào đó lượng tiền gửi kho bạc bị rút ra, khi mà tình trạng giải ngân vốn đầu tư công trở lại bình thường thì các ngân hàng này phải đối mặt với việc tăng lãi suất để thu hút tiền gửi từ dân cư bù đắp cho lượng tiền gửi Kho bạc Nhà nước bị rút ra.
Đó là những áp lực trước mắt, còn trong trung dài hạn thì Ngân hàng Nhà nước có thể chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại với ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, theo đó duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn, các ngân hàng sẽ phải lựa chọn khách hàng vay kỹ hơn, ưu tiên các khoản vay có biên lợi nhuận cao và điều chỉnh lãi suất cho vay với các khách hàng hiện hữu để phần nào đẩy biên lãi suất lên cao hơn, bù đắp cho sự mất mát từ việc tín dụng bị kìm hãm.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã khuyến nghị Việt Nam xem xét thắt chặt dần chính sách tiền tệ trở lại để ưu tiên ổn định nền kinh tế và có cơ hội được nâng bậc đầu tư. Đáng lưu ý là trước Fitch đã có các tổ chức tiền tệ như HSBC, ANZ, IMF cũng đã khuyến nghị như vậy. Nếu cung vốn bị hạn chế trong khi cầu vốn vay vẫn cao thì ngân hàng tất yếu có lợi thế được quyết định giá bán, tức lãi suất cho vay đầu ra cao hơn.
Từ những tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất cho vay mua nhà khi nhận thấy rủi ro ở kênh vay vốn này tăng trở lại. Cụ thể biểu lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản của nhiều ngân hàng đã tăng, theo đó cho vay trung hạn lên tới 12%/năm, vay dài hạn là từ 12,5%/năm trở lên, tức tăng 1 – 2%/năm so với trước đó vài tháng.
Đơn cử như Eximbank đã áp dụng biểu lãi suất cho vay ngắn hạn mới đối với các khoản vay mua nhà, đất tăng thêm 1%/năm so với trước, lên mức 11%/năm, còn vay dài hạn là 12,5%/năm, tức tăng 0,7 – 0,9%/năm. Viet A Bank đang áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà, đất 12,38%/năm.
Sacombank với các trường hợp vay dài hạn, lãi suất thời điểm giải ngân là 12,5%/năm. Cần lưu ý nữa là nhiều ngân hàng triển khai những chương trình cho vay mua nhà với lãi suất khá thấp trong thời gian đầu, sau đó tăng mạnh khi hết thời gian ưu đãi, khiến người vay không thể cân đối tài chính.