Mùa cao điểm khai thác cao su sẽ bắt đầu tư tháng 10 hàng năm
Lợi nhuận cao nhờ giá
Nhiều DN cao su thiên nhiên đưa ra dự báo, lũy kế 9 tháng, họ sẽ cán đích kế hoạch lợi nhuận năm. Trong khi đó, do tính chất mùa vụ, nên quý IV là thời điểm các DN này đạt sản lượng cao su cao nhất so với các quý khác trong năm, thậm chí bằng 3 quý cộng lại. Diễn biến này đang hỗ trợ đáng kể cho giá nhóm cổ phiếu ngành cao su.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Dương Văn Khen, Người công bố thông tin của CTCP Cao su Phước Hoà (PHR) cho biết, với lợi nhuận trước thuế tính đến hết tháng 8 đạt gần 90% kế hoạch, thì dự kiến cuối tháng 9, PHR sẽ cán đích kế hoạch lợi nhuận cả năm, tương đương lợi nhuận trước thuế khoảng 616 tỷ đồng.
Do sản lượng mủ khai thác đạt đỉnh trong quý IV với tỷ lệ chiếm tới 40% tổng sản lượng cả năm, nên nếu giá tiêu thụ tiếp tục giữ được mức trung bình 95 triệu đồng/tấn, thì năm 2011, PHR sẽ vượt khá xa kế hoạch kinh doanh, bởi có khả năng đạt hơn 810 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Cũng với kết quả kinh doanh khả quan, ông Bành Mạnh Đức, Người công bố thông tin của CTCP Cao su Hoà Bình (HRC) cho biết, hết tháng 8, HRC đã vượt xa chỉ tiêu doanh thu khi luỹ kế 8 tháng đạt hơn 406 tỷ đồng so với kế hoạch cả năm là 324 tỷ đồng.
Với kết quả khai thác tính đến giữa tháng này khả quan, nên trong tháng 9, HRC ước sẽ khai thác đạt hơn 300 tấn mủ cao su. Mức sản lượng này sẽ còn cao hơn trong các tháng còn lại của năm do hoạt động khai thác bắt đầu vào mùa cao điểm từ tháng 10. Với giá cao su được dự báo tiếp tục đứng ở mức trên 90 triệu đồng/tấn, nhiều khả năng HRC sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm nay.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Cao su Đồng Phú (DPR), tháng 9, Công ty ước đạt sản lượng khai thác gần 2.000 tấn mủ. Với kết quả này, quý III/2011, DPR sẽ đạt mục tiêu khai thác 30% sản lượng mủ cao su so với kế hoạch năm là 14.500 tấn. Do giá tiêu thụ đang thuận lợi, nên có khả năng hết quý III, DPR sẽ cán đích chỉ tiêu lợi nhuận sau khi lũy kế 8 tháng đạt 402 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 91% kế hoạch năm.
Ông Lê Quang Thung, quyền Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, cho biết, với sản lượng cao su mà các DN khai thác được tính đến hết tháng 9, ước năm nay cả nước đạt 700.000 – 750.000 tấn mủ các loại, tương đương với năm ngoái. Nhiều dự báo cho thấy, giá cao su trong những tháng còn lại của năm sẽ khoảng 4.000 – 4.500 USD/tấn do sức cầu từ hai thị trường nhập khẩu cao su Việt Nam trọng điểm là Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang cao. Mức giá này cao hơn đáng kể so với giá trung bình của năm 2010, nên nhiều DN sẽ không chỉ vượt khá xa chỉ tiêu lợi nhuận mà còn có mức lợi nhuận cao hơn đáng kể so với năm ngoái.
Nhận diện cơ hội đầu tư
Điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu cao su đã và sẽ hầu như không chịu tác động bởi các biến động vĩ mô trong nước, nhất là tình trạng lãi suất cao, do các DN này đã trải qua chu kỳ đầu tư 1-2 năm và lượng tiêu thụ nội địa chỉ chiếm trên dưới 20% tổng lượng tiêu thụ hàng năm.
Bởi vậy, ông Phạm Xuân Anh, Trưởng phòng tư vấn tài chính, CTCK BIDV (BSI)cho rằng, trong bối cảnh TTCK không dễ kiếm tiền như hiện tại, nhóm cổ phiếu cao su phù hợp với tiêu chí đầu tư: tìm kiếm lợi nhuận vừa phải và ít rủi ro, bởi nhóm cổ phiếu này có biên độ biến động giá không nhiều, ngay cả khi DN đạt kết quả kinh doanh cao.
Lý do là đặc thù của yếu tố mùa vụ luôn được phản ánh kịp thời vào giá cổ phiếu. Trong trường lướt sóng bất thành, NĐT không nên quá lo lắng khi phải nắm giữ cổ phiếu lâu hơn mong muốn, bởi sẽ được hưởng cổ tức với tỷ lệ khá cao, 20-30%.
Ông Anh phân tích thêm, nếu có ý định lướt sóng, NĐT cần chú ý tới yếu tố mùa vụ của nhóm cổ phiếu cao su, trong đó, tuỳ DN mà riêng quý IV sản lượng có thể bằng 3 quý trong năm cộng lại, để đưa ra quyết định chốt lời đúng lúc.