Nguy cơ giảm phát được các chuyên gia kinh tế cảnh báo từ lâu, cùng với thực trạng khó khăn trong khu vực sản xuất kinh doanh, và sự suy giảm của các ngành quan trọng như bất động sản, xây dựng, bán lẻ… Giờ đây nguy cơ đó hiện hữu hơn bao giờ hết, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 6/2012 đã giảm 0,26% so với tháng trước, sau 38 tháng tăng liên tục.
Số liệu Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong tháng 6 chỉ số giá tiêu dùng ở hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã âm 0,17% và 0,43% so với tháng trước, sau những tháng đầu năm đã giảm mạnh đà tăng. Khi CPI ở mức âm đã gây nên sự chú ý đặc biệt, bởi đây là tháng 6 đầu tiên chỉ số giá giảm ở cả hai thành phố trong 5 năm trở lại đây.
Cạn kiệt sức mua
Sau vài năm lạm phát cao kể từ 2007, người dân trở nên nghèo đi trên thực tế, vì tăng thu nhập không theo nổi mức tăng của giá cả. Thêm những khó khăn chung của nền kinh tế trong năm nay, khiến DN gặp khó khăn, giải thể hoặc hoạt động cầm chừng, sa thải lao động hoặc chỉ cầm cự với mức lương thấp, khiến khó khăn càng đổ lên đầu người dân. Người dân đã thắt chặt chi tiêu hơn trước, một trong những biểu hiện là sự sụt giảm doanh thu của hệ thống siêu thị tới 30%.
Việt Nam từng là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu năm 2008, nhưng liên tục thụt lùi kể từ 2009 và tới năm nay đã ra khỏi bảng xếp hạng top 30. Sức mua của dân cư sụt giảm mạnh, thu nhập bị sói mòn vì lạm phát trong thời gian dài, cùng với đó là niềm tin sụt giảm, khiến cho ngành bán lẻ trở nên kém hấp dẫn. Không chỉ hệ thống siêu thị đang phải vật lộn với doanh thu sụt giảm, mà tiểu thương cũng lao đao, đóng sạp chợ hoặc co cụm kinh doanh.
Về diễn biến mới của chỉ số CPI, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhà nghiên cứu kinh tế uy tín của Việt Nam đánh giá, việc chỉ số CPI giảm ở hai thành phố lớn có thể là biểu hiện ban đầu của giảm phát, tức sức mua của đại đa số dân cư đã đến mức kiệt quệ. “Mặc dù nền kinh tế mới chỉ có biểu hiện của giảm phát song tôi cho rằng cần hết sức cẩn trọng. Chúng ta không nên cho rằng đây là dấu hiệu đáng mừng. Việc gấp rút lúc này là cần phải tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giúp kinh tế đi lên” – ông Doanh nói.
Tiến sĩ. Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS), có cái nhìn thận trọng hơn: Khi CPI ở mức âm, ta có thể gọi đó là giảm phát. Tuy nhiên, để khẳng định rằng chúng ta đang trong thời kỳ giảm phát, thì chúng ta cần nhìn thấy CPI hàng tháng âm liên tục trong vài tháng.
Giảm phát được cảnh báo từ nhiều tháng trước khi khó khăn tràn lan trong khu vực sản xuất kinh doanh với lượng tồn kho chất cao như núi. Chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài được nhiều người chỉ ra là một trong những nguyên nhân đẩy DN và cả nền kinh tế vào tình trạng khó khăn hiện nay. Như Tiến sĩ Quách Mạnh Hào đánh giá, cần nhấn mạnh là việc đẩy mặt bằng lãi suất lên quá cao là một chiến lược tồi bởi điều đó không còn là tác động giảm cầu, mà là cắt cầu.
Tâm lý sợ lạm phát phi mã và đối phó với lạm phát chủ yếu bằng chính sách tiền tệ đã đẩy nền kinh tế lâm vào khó khăn, mà nhiều nhà nghiên cứu coi là tình trạng “nguy hiểm”. Những ý kiến lạc quan cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế đã qua rồi, và chúng ta đã vượt qua đáy khủng hoảng không nhận được nhiều sự đồng tình. Lãi suất đã hạ và cửa vay vốn có vẻ rộng hơn, nhưng thực tế, DN vẫn phải vay vốn với lãi suất cao 17 – 18%/năm, chứ chưa thể tiếp cận mức lãi suất khoảng 13%/năm. Nợ xấu chưa được xử lý khiến nguồn vốn mới không thể đổ vào khu vực sản xuất. Nhìn rộng ra toàn ngành kinh tế, có thể thấy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm chậm lại rõ rệt, công nghiệp tăng trưởng thấp. Ngành xây dựng tăng trưởng âm, một số ngành như dệt may, da giày vẫn còn chật vật kiếm đơn hàng từng tháng. DN sắt, thép, xi măng có sản lượng sản xuất giảm, thậm chí có nhiều đơn vị phải đình chỉ hoạt động… Riêng mùa hè năm nay người dân ít bị cắt điện luân phiên hơn những năm trước, có yếu tố lượng điện tiêu thụ điện không còn căng thẳng do sản xuất suy giảm.
Trong khi đó, nợ xấu đã tăng 35% so với cuối năm ngoái, lên mức 108.600 tỷ đồng. Khó khăn vẫn tràn lan trong khu vực sản xuất kinh doanh, lượng DN “chết” ngày một nhiều hơn, hàng tồn kho ở nhiều ngành đến mức báo động, buộc DN phải hạ giá, chịu lỗ để thu tiền về. Cái “được” của nền kinh tế hiện tại có thể kể đến các mặt tích cực như lãi suất giảm, tỷ giá VNĐ ổn định…
Hỗ trợ sức cầu
Nhận thấy thực trạng khó khăn trong khu vực doanh nghiệp, chính phủ đã có Nghị Quyết 13 ngày 10/5 để hỗ trợ DN, nhưng hiện còn chưa triển khai. Các biện pháp hỗ trợ nhằm vào nhưng DN đang hoạt động chứ chưa giúp hồi phục được những đơn vị đã đóng cửa. Giải pháp giãn thuế, giảm thuế… chỉ giúp các DN đang có lãi hoặc vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh, còn những đơn vị đã ngừng sản xuất thì vô hiệu. Bởi vậy, tôi cho rằng cần có giải pháp mạnh hơn để cứu cả doanh nghiệp đang hấp hối, trên bờ phá sản.
Chính sách tiền tệ cũng đã nới lỏng nhanh chóng, từ chỗ thắt chặt cho vay lĩnh vực phi sản xuất nhằm chống đầu cơ, giờ đây rất nhiều đối tượng đã được đưa ra khỏi danh sách hạn chế tín dụng. Lãi suất cũng được NHNN định hướng giảm nhanh, trong vòng chưa đầy 3 tháng, trần lãi suất huy động đã được cắt giảm từ 14%/năm, xuống 9%/năm. Một số ngân hàng bắt đầu rộng cửa hơn với cho vay mua nhà và chi tiêu cá nhân. Trần lãi suất cho vay cũng được áp dụng đối với 4 nhóm đối tượng. Tuy nhiên, lãi suất thực tế vẫn còn cao và việc giảm lãi suất chưa thực sự trở nên rộng khắp, tuy mặt bằng lãi suất có cắt giảm chút ít. Điều đó trên lý thuyết sẽ hỗ trợ sức cầu, hỗ trợ người dân mạnh tay mua sắm nhà đất hoặc chi tiêu trong thời điểm này, nhưng có vẻ thực tế không giống như tính toán, thị trường nhà đất vẫn tiếp tục đóng băng kéo dài, và nhiều DN buộc phải hạ giá mạnh sản phẩm để mong đẩy hàng.
Giải pháp nào để hỗ trợ sức cầu trong giai đoạn này là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Đó bắt đầu phải từ khu vực sản xuất kinh doanh, chỉ khi sản xuất được vực dậy, DN thoát khỏi khó khăn, họ mới có thể giải quyết được các vấn đề xã hội như thất nghiệp, sụt giảm thu nhập. Người dân cần được hỗ trợ, kích thích sức mua bằng việc bảo đảm giá trị đồng tiền, công việc ổn định và tăng chỉ số niềm tin.
Theo Tiến sĩ Quách Mạnh Hào, lạm phát làm bào mòn của cải xã hội nhanh trong khi giảm phát thường có xu hướng gắn liền với đình trệ và thất nghiệp. Giảm phát kéo dài nguy hiểm bởi khi đó vòng luẩn quẩn giảm phát hoàn toàn có thể diễn ra theo chiều hướng sau: giảm tổng cầu dẫn đến giảm giá cả chung, dẫn đến nợ xấu tăng lên, gây vỡ nợ, đến thất nghiệp/giảm thu nhập dẫn đến giảm tổng cầu.
Và tại thời điểm hiện tại, khi chúng ta đang đối mặt với nguy cơ giảm phát và tình trạng khó khăn mới của nền kinh tế, thì những người nhìn xa trông rộng lại lo đến vấn đề xa hơn: Khi đối diện với giảm phát, những giải pháp mở rộng tiền tệ quá nhanh và quá mức sẽ đẩy nền kinh tế vào tình trạng có quá nhiều tiền rẻ và một chu kỳ bong bóng tài sản và lạm phát mới sẽ xuất hiện nhanh hơn mong đợi.
Nỗi lo vòng luẩn quẩn lạm phát – giảm phát lặp lại.