Điều chỉnh có thể vẫn còn tiếp tục trong những tháng tới, khi mà thanh khoản vẫn đang thấp và tâm lý thị trường rất kém, nhưng điều này sẽ tạo ra những cơ hội mua ở mức giá thấp trong thời gian tới. Điều giới đầu tư quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại là nhóm CP nào sẽ dẫn dắt đà tăng của chỉ số.
Thông thường, nhóm CP tài chính bao gồm ngân hàng, bất động sản và CK, được giới đầu tư đưa lên vị trí đầu tàu trong các đợt tăng nóng của thị trường nhờ tính chu kỳ cao, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng lợi nhuận của thị trường trong quý I vừa qua. Nhóm này hiện chiếm tới 50% tổng vốn hóa cũng như lợi nhuận sau thuế của toàn thị trường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhóm CP tài chính đang sụt giảm mạnh như hiện tại, nhóm CP phi tài chính được kỳ vọng sẽ mang lại yếu tố tích cực cho thị trường.
Theo thống kê của CTCK Rồng Việt (VDSC), lợi nhuận của nhóm phi tài chính đạt mức tăng trưởng 10% trong quý I-2018. Mức tăng không lớn nhưng cũng không quá tệ trong bối cảnh VN Index hiện đã giảm 8% kể từ đầu năm, và giảm 25% kể từ mức đỉnh của năm 2018.
Nếu cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của nhóm CP tài chính không bền vững, thì tăng trưởng của nhóm CP phi tài chính tuy không lớn nhưng cũng hứa hẹn còn cải thiện trong những quý còn lại. Và chừng đó xem ra đủ để tìm kiếm cơ hội khi chỉ số dao động ở mức thấp điểm trong thời gian tới. Đây chính là nhóm ngành được dự báo khả quan trong mùa báo cáo tài chính bán niên 2018.
Nhận định này phần nào được khẳng định qua những con số thống kê vừa được Tổng cục Thống kê công bố. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây.
Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93% (đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07% (đóng góp 48,9%); khu vực dịch vụ tăng 6,9% (đóng góp 41,4%). Đặc biệt, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018.