ECB với bài toán khó: Tăng lãi suất
Theo dự báo giới chuyên môn, ECB có khả năng sẽ phát đi tín hiệu vào thứ Năm rằng chương trình mua trái phiếu với quy mô lên tới 2,55 nghìn tỷ euro của họ sẽ kết thúc trong năm nay, một động thái mang tính quyết định trong việc thu hồi lại chính sách kích thích thời kỳ hậu khủng hoảng.
Đối với ECB, bước tiếp theo có thể là một động thái khác trong một loạt các động thái gia tăng dần lãi suất, khi các nhà hoạch định chính sách cố gắng tránh để nền kinh tế rơi trở lại trạng thái suy thoái. Tuy nhiên, vấn đề là thời điểm nào lãi suất sẽ tăng. Còn nhớ hai lần tăng lãi suất khủng khiếp trong năm 2011 đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng Euro.
Hiện nền kinh tế khu vực đồng tiền chung đã duy trì đà tăng trưởng trong hơn 5 năm, việc làm ở mức cao kỷ lục, lạm phát tiền lương ngày càng rõ ràng. Điều đó cho thấy chương trình mua vào trái phiếu đã phát huy tác dụng trong việc giảm chi phí vay mượn, qua đó thúc đẩy các hoạt động kinh tế và tạo việc làm. Theo các chuyên gia, đến nay chương trình này đã hết “sứ mệnh lịch sử” và việc kết thúc là bước đi hợp lý tiếp theo.
ECB cũng cho biết số phận của chương trình mua tài sản quy mô 2,55 nghìn tỷ euro (2,99 nghìn tỷ USD) sẽ được đưa vào chương trình nghị sự hôm thứ Năm, nhưng Chủ tịch ECB Mario Draghi phải quyết định liệu có nên tuyên bố kết thúc chương trình mua tài sản ngay tại cuộc họp này hay chờ cho đến khi các nhà hoạch định chính sách gặp nhau tại cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 7 hay không.
Nhưng với việc tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại và lợi suất trái phiếu tăng do lo ngại bất ổn chính trị ở Ý, rủi ro suy giảm có vẻ đang gia tăng, cho thấy ECB có thể cố gắng sớm chấm dứt chương trình mua vào trái phiếu.
“ECB gần đây đã quyết định bỏ qua các sự kiện chính trị”, UBS cho biết trong một lưu ý với khách hàng. “Hơn nữa, một số quốc gia có thể quan tâm đến việc giảm sự hỗ trợ cho chính phủ dân túy. Xét cho cùng, chương trình nới lỏng định lượng cũng đòi hỏi phải mua trái phiếu chính phủ Ý”.
Một số người thậm chí còn lập luận rằng ECB có thể lựa chọn đưa ra quyết định (công bố chấm dứt chương trình mua tài sản) ngay trong tháng 6 bởi vì nó lo ngại sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu sau đó sẽ khiến cho việc đưa ra quyết định này vào tháng 7 khó khăn hơn nhiều.
“Việc đẩy nhanh thông báo chấm dứt mua trái phiếu do lo ngại về triển vọng kinh tế sẽ u ám hơn sau này, được thúc đẩy bởi sự không chắc chắn của chính sách, sẽ ít nhiều nâng cao tín nhiệm của ECB”, Anatoli Annenkov – Nhà kinh tế của Societe Generale nói.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự kết thúc gói nới lỏng định lượng đang làm nảy sinh một vấn đề phức tạp đối với ECB, đó là việc tăng lãi suất liên quan đến thời điểm kết thúc chương trình mua tài sản khi ECB đã cam kết rằng, lãi suất sẽ không thay đổi ngay cả khi kết thúc chương trình.
Bởi vậy, khi chương trình mua tài sản kết thúc vào cuối năm nay, ECB cần có thêm hướng dẫn cụ thể để duy trì kỳ vọng chưa tăng lãi suất và để ngân hàng có thể linh hoạt trì hoãn nếu cần.
Fed sẽ làm gì khi lãi suất tiệm cận mức trung hòa?
Trong khi đó Fed đã gần như chắc chắn sẽ tăng tiếp lãi suất 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất mục tiêu lên trong khoảng từ 1,75% – 2% tại cuộc họp lần này. Vấn đề là Fed sẽ ứng xử ra sao sau lần tăng này khi mà lãi suất tại Mỹ đang tiến gần tới mức trung hòa (mức mà theo lý thuyết sẽ không kích thích cũng như không gây cản trở cho các hoạt động kinh tế).
NHTW Mỹ đang đạt được cả hai mục tiêu của nó – thước đo lạm phát ưa thích của Fed là 2% và nền kinh tế đang trong trạng thái toàn dụng. Theo Bill Diviney – nhà kinh tế của ABN Amro, rủi ro trong nước mà Fed đang phải đối mặt là nền kinh tế Mỹ có thể quá nóng. Bởi nhiều chính sách kích thích tài chính quy mô khá lớn đang được triển khai trong khi nền kinh tế đang cho đã tiến gần đến giới hạn tiềm năng.
Rủi ro nền kinh tế quá nóng có thể hối thúc Fed phải tăng tốc thắt chặt. Thế nhưng với việc lạm phát được kỳ vọng sẽ ổn định quanh mức mục tiêu, trong khi với lần tăng này, lãi suất tại Mỹ đã gần đạt tới mức trung hòa, rất có thể Fed sẽ thận trọng hơn với những lần tăng lãi suất tiếp theo cho dù hiện cơ quan này vẫn dự kiến sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm nay và 3 lần trong năm tới.
Theo Tim Duy – Giáo sư thực hành và là giám đốc cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Oregon tại Đại học Oregon, tác giả của chuyên mục Fed Watch, hiện Fed đang phải đối mặt với một vấn đề đó là lãi suất trung hòa chỉ là ước tính và rất khó xác định trên thực tế. Khi lãi suất còn ở mức gần bằng 0%, các nhà hoạch định chính sách biết nó vẫn còn cách khá xa so với mức trung hòa.
Do đó, trong giai đoạn đầu của chu kỳ thắt chặt, họ có thể duy trì tốc độ tăng lãi suất mà vẫn đảm bảo chính sách tiền tệ dễ dãi để hỗ trợ nền kinh tế. Thế nhưng câu chuyện là rất khác khi lãi suất hiện đã tiệm cận mức trung hòa.
Theo ước tính của các nhà hoạch định chính sách của Fed, lãi suất trung hòa trong khoảng từ 2,3% đến 3,0%, có nghĩa chỉ cần tăng lãi suất thêm 2 lần nữa, mỗi lần 25 điểm cơ bản, là có thể đưa lãi suất chính sách tiệm cận mức thấp nhất của các ước tính.
Từ đó, Tim Duy cho rằng, Fed có thể sẽ thực hiện tăng lãi suất vào tháng 6 và tháng 9 bởi từ nay đến tháng 9 không còn bao lâu nữa và trong khoảng thời gian này, diễn biến kinh tế Mỹ khó có thể xấu đi. “Tại thời điểm này, tôi nghĩ rằng trừ phi có một cú sốc bên ngoài đủ lớn như cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu mới có thể khiến Fed từ bỏ ý định tăng tiếp lãi suất trong tháng 9”, Tm Duy nói.
Tuy nhiên, sau tháng 9 vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn. Fed sẽ có thể thận trọng hơn và không phát đi tín hiệu về một lộ trình chính sách rõ ràng, nhất là khi lạm phát vẫn còn yếu và các nhà hoạch định chính sách không muốn vô cớ làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù vậy, động thái của 2 NHTW lớn nhất thế giới này cho thấy thời đại “tiền rẻ” của các NHTW sẽ sớm kết thúc. Điều đó cũng cho thấy các nền kinh tế lớn đã đủ mạnh để có thể tự đứng vững khi các NHTW đang cố gắng tạo thêm dư địa cho mình, bằng cách bình thường hóa chính sách, để có thể đối phó với các cuộc suy thoái tiếp theo.