Trong quý I.2018, ngành du lịch có thể tăng 60% trong khi tổng thương mại sẽ tăng 40% so với một năm trước đó, Thủ tướng Phúc đã tiết lộ thông tin này trong chuyến thăm chính thức New Zealand. Nếu đạt được, đây sẽ là quý có mức độ tăng trưởng quý I cao nhất trong nhiều năm, cao hơn đáng kể so với mức tăng 5,15% trong quý I năm ngoái.
Mức tăng trưởng của Việt Nam thường thấp hơn trong quý I so với phần còn lại của năm, do một kỳ nghỉ kéo dài một tuần dịp Tết Nguyên đán. Theo thủ tướng Phúc, Việt Nam có khả năng thặng dư thương mại gần 2 tỷ USD trong thời gian 3 tháng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng 6,83% trong năm nay, so với mức 6,81% của năm ngoái.
Tổng cục Thống kê dự kiến sẽ công bố số liệu GDP chính thức vào ngày 29 tháng 3. Sau khi thăm New Zealand, Thủ tướng Phúc sẽ thăm chính thức Úc vào cuối tuần này để tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Úc tại Sydney.
Trước đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (HoSE: SSI) cũng đã đưa ra dự báo chỉ số tăng trưởng GDP quý I sẽ tương đương như nửa cuối năm 2017, thậm chí ở kịch bản tốt, có thể chạm ngưỡng 8%.
Nền tảng cho sự tăng trưởng khả quan dựa trên các yếu tố, gồm ngành điện tử duy trì tăng trưởng cao, do sản phẩm Galaxy S9 sẽ ra mắt vào tháng 3-2018, sớm hơn so với thời điểm ra mắt Galaxy S8 vào tháng 4-2017; ngành khai khoáng tăng trưởng dương và các ngành dịch vụ như bán lẻ, lưu trú ăn uống duy trì tăng trưởng ổn định.
Theo đó, chỉ số công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 15,2%, đây là mức tăng cao nhất nhiều năm và đặc biệt cao so với cùng kỳ 2017 (chỉ tăng 2,4%). Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng mạnh cùng với mức tăng trưởng dương của ngành khai khoáng (cùng kỳ 2016 và 2017 tăng trưởng âm) là 2 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng chung.
Ngành chế biến chế tạo tăng 17,7%, cũng là mức tăng cao nhất nhiều năm. Điện tử tiếp tục là trụ cột với tăng trưởng 38,3%, chủ yếu nhờ SamSung Display Việt Nam đạt doanh thu 49,3 ngàn tỉ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ.
Nhiều sản phẩm khác của ngành công nghiệp cũng có tăng trưởng tích cực, trong đó một số sản phẩm phản ánh sự cải thiện của sức cầu tiêu dùng như thực phẩm, đồ uống và nội thất, lần lượt tăng 6%, 7,9% và 20,2%.
Ngành khai khoáng gây bất ngờ với tăng trưởng dương 5,7% sau 2 năm liên tục giảm. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 2 tháng đầu năm 2018 duy trì mức tăng trưởng tương đối cao. Tổng giá trị bán lẻ đạt 704.000 tỉ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ.