Kinh tế chuyển biến mạnh mẽ
Nhìn chung, tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2018 vẫn giữ xu thế tích cực từ cuối năm 2017, tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ và đạt kết quả tích cực trên nhiều các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với cùng kỳ. Chính vì thế, tăng trưởng GDP quý I/2018 được dự báo sẽ có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017.
Theo đánh giá, tăng trưởng kinh tế quý I/2018 sẽ thuận đà tăng trưởng bởi được hỗ trợ nhờ các yếu tố tích cực từ cả ba khu vực kinh tế: Nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển; sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá và hoạt động dịch vụ khá sôi động. Đơn cử, tính chung 2 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 2,4% của cùng kỳ năm 2017. Lĩnh vực XK tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 22,9%; đặc biệt là XK của khu vực kinh tế trong nước tăng 25,7%, cao hơn mức tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (21,8%). Cũng trong hai tháng xuất siêu 1,08 tỷ USD, trong khi cùng kỳ 2017 Việt Nam nhập siêu gần 50 triệu USD.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia (NCIF), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tình trạng cầu tích cực cũng được nêu bật ở các thị trường XK, từ đó giúp số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài tiếp tục tăng. Tăng trưởng sản xuất còn được hỗ trợ bởi mức tăng đáng kể của hoạt động mua hàng, và là mức tăng nhanh nhất trong 13 tháng. Mới đây, trên cơ sở phân tích các yếu tố tăng trưởng khá tích cực ngay từ quý I, NCIF vừa cập nhật điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2018, theo đó, dự báo tăng trưởng kinh tế quý I/2018 có thể đạt mức 6,23%, tăng mạnh hơn 1% so với mức 5,15% của cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tăng trưởng quý I hàng năm thường đạt thấp (năm 2014 là 4,96%, năm 2015 là 6,03%, 2016 là 5,46%…)
Sở dĩ có được kết quả này, bên cạnh xu thế tích cực của nền kinh tế còn là nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đã chỉ đạo các ngành, DN lớn khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng từng quý, có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, đồng thời sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu nếu không đạt mục tiêu. Ngoài ra, việc Hiêp định CPTPP được ký kết trong quý I cũng là động lực, tạo sự hứng khởi cho nền kinh tế.
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong hai tháng đầu năm, điều kiện sản xuất kinh doanh cũng đã có tháng thứ 26 liên tiếp được cải thiện. Chỉ số PMI, chỉ số phản ánh sự thay đổi về điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất tại Việt Nam, đạt 53,4 điểm trong tháng 1/2018, cao nhất trong 10 tháng. Cần lưu ý, PMI trên 50 điểm phản ánh sự cải thiện, dưới 50 điểm phản ánh sự suy giảm, và mức 50 điểm phản ánh sự giữ nguyên của các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất. Bên cạnh đó, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng ngay từ tháng 1 (vốn huy động tăng 0,5% so với cuối năm 2017, trong khi đó, cùng kỳ tháng 1/2016 và năm 2017 đều giảm lần lượt là 0,8% và 1,3%).
Nâng mức dự báo tăng trưởng
Cuối năm 2017, NCIF dự báo GDP 2018 sẽ tăng 6,71%, tuy nhiên, những ngày đầu tháng 3/2018, mức dự báo đã được thay đổi theo chiều hướng tăng. Theo NCIF, với việc tăng trưởng đồng đều trên các khu vực kinh tế lớn về phía cung cũng như thành tích 2 tháng đầu năm từ các lĩnh vực XK, tiêu dùng, đầu tư phía cầu, dự kiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 có khả năng khởi sắc hơn so với dự báo và tốc độ tăng trưởng GDP có thể sẽ đạt mức 6,83%, theo đó, quý I có thể đạt mức 6,23%. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng được dự báo đạt mức tăng trưởng quý I cao nhất với mức 7,24%, khu vực dịch vụ là 7,15 và khu vực nông, lâm, thủy sản là 2,95%.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhấn mạnh, hoạt động sản xuất 2 tháng đầu năm 2018 tiếp tục có những diễn biến tích cực nhờ những chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP. Tính toán cho thấy chu kỳ của nền kinh tế trong ngắn hạn đang tiếp tục xu hướng phục hồi từ quý II/2017, báo hiệu xu hướng tăng trưởng khả quan của nền kinh tế trong năm 2018. Theo đó, tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt khoảng 6,5-6,8%. Trong đó, tăng trưởng 6,8% là mức có thể đạt được khi các biện pháp kích cầu được áp dụng, nhưng sẽ gây ra áp lực lạm phát do cầu kéo (tổng cầu tăng quá nhanh trong khi tổng cung không tăng hoặc tăng không kịp) cho năm 2018. Bên cạnh đó, nếu các chính sách cải thiện bên cung phát huy hiệu quả tốt thì dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mức cao hơn.
Cho rằng trong 2 tháng đầu năm, một số tín hiệu cho thấy năm 2018 kinh tế có xu hướng phát triển tốt, ổn định, song theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu, kết quả 2 tháng đầu năm chưa đủ cơ sở để khẳng định GDP sẽ phát triển ở tốc độ nào, để dự báo chắc chắn GDP 2018 cao hơn 6,5% hay không là khó vì thực tế sẽ có nhiều biến chuyển của nền kinh tế thế giới. Đơn cử như chính sách đối ngoại, chính sách mậu dịch theo hướng bảo hộ thị trường nội địa của Chính phủ Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay cũng sẽ ảnh hưởng tới tình hình tỷ giá… Chuyên gia này cũng lưu ý hai tháng đầu năm lạm phát có dấu hiệu tăng tương đối cao, cho thấy có thể sẽ có biến động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây cũng nhấn mạnh, với nhiều tín hiệu lạc quan từ quốc tế và trong nước, dự báo kinh tế vĩ mô và tăng trưởng năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực. “Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không chủ quan trong bối cảnh tình hình biến đổi nhanh, khó dự báo với nhiều rủi ro tiềm ẩn”, Thủ tướng nói. Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, kiên quyết, kiên trì giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không tăng trưởng bằng mọi giá là mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành. Quan điểm chủ đạo về điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong thời gian tới là điều hành quyết liệt, chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa và đồng bộ giữa các công cụ chính sách để bảo đảm ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng năm 2018 cao hơn năm 2017 và tạo nền tảng cho tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn trong những năm tiếp theo.