Những khó khăn ở thời điểm hiện tại
Trong giai đoạn gần đây, nền kinh tế Trung Quốc gặp phải một số khó khăn. Ở trong nước, đó là nền kinh tế giảm tốc trong khi về đối ngoại đó là căng thẳng thương mại với Mỹ và những trục trặc của siêu dự án Một vành đai, một con đường.
Một số học giả cho rằng Trung Quốc đã sai lầm khi áp dụng chính sách quá cứng rắn trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, số khác cho rằng Trung Quốc nên tập trung cho việc kích thích nền kinh tế trong nước – vốn đang giảm tốc rõ rệt – hơn là đầu tư cho những dự án mang nhiều ý nghĩa chính trị như Một vành đai, một con đường.
Do đó, mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc lúc này là ổn định kinh tế. Cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc vào đầu tháng 8 vừa qua đã đề ra 6 mục tiêu quan trọng cho nửa sau năm 2018, trong đó hai mục tiêu hàng đầu là giảm tỷ lệ thất nghiệp và ổn định thị trường tài chính.
Đáng lưu ý, các phiên họp trước của Bộ Chính trị TQ hiếm khi đề cập đến tỷ lệ thất nghiệp, điều đó có nghĩa là giới lãnh đạo nước này đã nhận thấy những bất ổn của nền kinh tế trong nước. Đối với mục tiêu thứ hai, Trung Quốc khẳng định sẽ duy trì sự ổn định của thị trường tài chính và không tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Nhiệm vụ này sẽ được chuyển sang cho chính sách tài khóa.
Nói cách khác, trong nửa sau năm 2018 thì chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ có phần thận trọng hơn so với nửa đầu (đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tới 2 lần trong 6 tháng đầu năm). NHTW Trung Quốc (PBoC) sẽ giảm bớt việc nới lỏng tiền tệ và áp lực lên đồng nhân dân tệ (CNY) dự kiến cũng sẽ giảm theo.
Vào cuối tuần trước (4/8), các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Trung Quốc đã có mặt ở khu nghỉ mát Bắc Đới Hà để tham gia cuộc họp hàng năm, dự kiến kéo dài tới khoảng 12/8. Cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng này là dịp để thảo luận về thực trạng đất nước cũng như chính sách điều hành trong thời gian tới, do đó có ý nghĩa tương đối quan trọng trong việc xác lập phương hướng chính trị của Trung Quốc.
Hai chủ đề hàng đầu trong cuộc họp này sẽ là chiến tranh thương mại với Mỹ và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, đều là những điểm mà giới “nguyên lão” có thể đưa ra chất vấn tại hội nghị. Có tin đồn rằng nguyên Chủ tịch Giang Trạch Dân và một số nguyên lãnh đạo khác đã gửi một bức thư cho ông Tập Cận Bình để đề nghị ông này xem xét lại chính sách kinh tế cũng như ngoại giao.
Rõ ràng Chủ tịch Tập Cận Bình và bộ máy của mình sẽ có động lực để tạm thời bình ổn thị trường tài chính, qua đó giảm bớt phần nào áp lực trước cuộc họp quan trọng này.
Mối nguy từ tỷ giá
Việc CNY liên tục mất giá so với USD là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với kinh tế Trung Quốc hiện nay. Mặc dù CNY mất giá có thể hỗ trợ ít nhiều cho xuất khẩu của Trung Quốc, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng lợi ích từ việc CNY mất giá vẫn chưa đủ đề bù đắp thiệt hại cho những ngành công nghiệp bị Mỹ tăng thuế (điện tử, chế tạo máy…).
Theo chiều ngược lại, sự mất giá của đồng CNY có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thứ nhất, nếu CNY tiếp tục mất giá và tỷ giá USD/CNY chạm mốc tâm lý 7,0, dòng vốn nước ngoài có thể đồng loạt tháo chạy ra khỏi Trung Quốc, kéo theo làn sóng mua ngoại tệ của doanh nghiệp cũng như dân cư nước này và đặt Trung Quốc trước nguy cơ xảy ra khủng hoảng mini.
Thứ hai, nếu CNY mất giá quá mạnh so với USD thì nhiều nước Đông Nam Á cũng sẽ phải phá giá đồng tiền theo, cũng có nghĩa là những quốc gia này (đặc biệt là Indonesia, Malaysia) sẽ hứng chịu hậu quả từ dòng vốn ngoại đảo chiều.
Nếu như sự mất giá của CNY gián tiếp đẩy nhiều quốc gia trong khu vực vào khủng hoảng, vị thế của đồng tiền này sẽ suy giảm rất đáng kể, trái với mong muốn của giới lãnh đạo Trung Quốc về việc quốc tế hóa đồng CNY, đưa đồng tiền này thành trung gian thanh toán cũng như công cụ dự trữ trong khu vực. Đó là chưa kể đến việc Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc về việc thao túng tiền tệ và cố tình phá giá đồng CNY.
Như vậy, xét về cả mục tiêu chính trị lẫn kinh tế, Trung Quốc đều có động cơ để tạm thời bình ổn tỷ giá USD/CNY. Một mặt nó giúp giảm bớt áp lực cho Chủ tịch Tập Cận Bình trong hội nghị quan trọng sắp tới, mặt khác giúp ổn định kinh tế vĩ mô – điều đặc biệt quan trọng khi kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc đáng kể.
PBoC trấn an thị trường trong ngắn hạn, nhưng xa hơn còn phụ thuộc vào chiến tranh thương mại
Đầu tiên, cần phải đính chính rằng CNY (mất giá 4,9% trong năm 2018) chưa phải là đồng tiền châu Á giảm giá mạnh nhất. Ngôi vị này thuộc về đồng rupiah của Indonesia (6,9%) và won Hàn Quốc (5,9%). Ngoài ra, Dollar Index cũng lên giá 3,3% kể từ đầu năm, có nghĩa là thực ra CNY chỉ giảm giá thêm khoảng 1,6% so với “fair value” mà thôi.
Cụ thể hơn, sự phân kỳ giữa USD/CNY và Dollar Index chỉ bắt đầu xuất hiện rõ trong giai đoạn gần đây. Trong khoảng 1,5 tháng trở lại đây, USD/CNY tăng tới 7% trong khi Dollar Index chỉ tăng 1,5%. Tức là CNY vẫn ổn định trong khoảng 6 tháng đầu năm, và chỉ thực sự suy yếu rõ rệt từ giữa tháng 6. Lý do là các số liệu kinh tế Trung Quốc bắt đầu xấu đi kể từ tháng 6 (tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn từ 0,1 đến 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tùy theo cách thức thống kê), bên cạnh đó thì PBoC vẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng nội địa.
Nguy cơ về cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ là giọt nước làm tràn ly: một mặt nó khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc đi xuống và kích hoạt làn sóng rút vốn, mặt khác gây ra tâm lý quan ngại cho thị trường rằng Trung Quốc có thể sử dụng tỷ giá USD/CNY như là một công cụ để trả đũa Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại. Theo Bloomberg, việc thị trường đẩy tỷ giá USD/CNY lên tiệm cận mức 6,9 có thể được hiểu như là cách để “thử” phản ứng của PBoC hơn là nhằm phản ánh cung cầu thực.
Biện pháp can thiệp hành chính mới nhất của PBoC (tăng tỷ lệ ký quỹ đối với các sản phẩm FX Forward lên 20% thay vì 0% như trước đây) chưa làm thay đổi triển vọng của CNY trong dài hạn (vẫn phụ thuộc nhiều vào kết quả cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ), nhưng tạm thời đã giúp bình ổn tâm lý thị trường và quan trọng là xóa tan nỗi lo về việc CNY có thể được sử dụng như là một công cụ phục vụ chiến tranh thương mại – một yếu tố góp phần rất lớn vào đà tăng của tỷ giá USD/CNY trong thời gian qua.
Tính đến cuối năm 2018-đầu năm 2019 thì tỷ giá USD/CNY vẫn nhiều khả năng tăng lên mức 7,0 nếu như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung không hạ nhiệt (tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có khả năng giảm xuống dưới 6% trong năm tới nếu như cuộc chiến thương mại tiếp tục căng thẳng), tuy nhiên đây là điều mà Trung Quốc buộc phải chấp nhận trong dài hạn.
PBoC chỉ cần ổn định tỷ giá trong ngắn hạn để tránh các cú sốc quá đột ngột, đồng thời cũng để xóa đi sự nghi ngờ của thị trường về việc Trung Quốc chuyển hóa chiến tranh thương mại thành chiến tranh tiền tệ. Lần gần nhất PBoC can thiệp bằng biện pháp này là tháng 9/2015, khi đó tỷ giá USD/CNY cũng điều chỉnh giảm khoảng 1% từ 6,39 về 6,32 trong vòng 2 tháng, tức tương đương gần 40% mức tăng giá trong giai đoạn trước (6,21 lên 6,39).
Nếu lịch sử lặp lại thì tỷ giá USD/CNY có thể duy trì ổn định dưới mức 6,8 ít nhất trong vòng 1 tháng và thậm chí có thể hướng về mức 6,7, đặc biệt là khi PBoC tuyên bố sẽ còn tiếp tục đưa ra thêm các biện pháp can thiệp nhằm ổn định tỷ giá trong giai đoạn tới.