Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, về tiêu chí để các ngân hàng được điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng, một lãnh đạo NHNN cho hay: “Việc xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ dựa trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, việc chấp hành các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, quy mô tín dụng, khả năng mở rộng tín dụng của các TCTD vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích theo chủ trương của Chính phủ”.
Nhiều nhà băng “bí” room
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), tính đến cuối tháng 5/2018, tín dụng tăng khoảng 5,8% so với cuối năm 2017, trong đó tín dụng VND ước tăng 5,6%, chiếm 91,9% tổng tín dụng.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, tín dụng trung dài hạn tăng khoảng 5,4%, tín dụng ngắn hạn tăng khoảng 6,5%. Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn chiếm 52,7% tổng tín dụng, không biến động so với cuối năm 2017.
Trong bối cảnh tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng trưởng cao, tình hình kinh doanh khởi sắc, không ít nhà băng đã được NHNN chấp thuận mở rộng chi nhánh và phòng giao dịch trong năm 2018.
Cụ thể, HDBank vừa được NHNN phê chuẩn mở mới 45 chi nhánh, phòng giao dịch. TPBank mở thêm 11 chi nhánh, phòng giao dịch mới. MBBank cũng được NHNN cấp phép thành lập thêm 5 chi nhánh và 12 phòng giao dịch, mở rộng mạng lưới lên 96 chi nhánh và 188 phòng giao dịch.
Đầu năm nay, NHNN cũng đã chấp thuận cho Kienlongbank mở rộng thêm 17 chi nhánh, phòng giao dịch trong năm 2018…
Nhìn vào những con số về mức tăng trưởng dư nợ tín dụng, phát triển mạng lưới có thể thấy từ nay đến cuối năm, nhiều ngân hàng sẽ “bí” room tín dụng.
Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết chỉ tiêu tín dụng được NHNN giao trong năm nay hiện đã gần hết và đang trình xin nới chỉ tiêu tín dụng.
Thực tế, sẽ không quá bất ngờ khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các nhà băng đến thời điểm này đã gần cạn, bởi các nhà băng đã tích cực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đều qua các tháng ngay từ đầu năm mà không còn tập trung vào những tháng cuối năm.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2018 của VIB, dư nợ tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt gần 90.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm 2017, trong đó dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 84.000 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng dư nợ tín dụng riêng lẻ của MB trong quý I đạt mức tăng trưởng 5%, tương ứng đạt được 89% mục tiêu năm nay.
Còn HDBank có tổng dư nợ đạt 110.990 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ và tăng 10,3% so với cuối năm 2017. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 105.977 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ và 11,5% so với cuối năm 2017.
Không dễ được nới room
Theo lãnh đạo các nhà băng, việc được chấp thuận nới room tín dụng là không dễ dàng, bởi không phải ngân hàng nào xin điều chỉnh cũng được chấp thuận.
Lãnh đạo NHNN cũng cho biết: “Việc xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD được thực hiện tương tự như các năm trước đây và trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, việc chấp hành các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, quy mô tín dụng, khả năng mở rộng tín dụng của các TCTD vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích theo chủ trương của Chính phủ”.
Theo một số chuyên gia, việc nới room tín dụng cần được NHNN xem xét cẩn thận, bởi mở rộng tín dụng đi cùng nhiều rủi ro nếu tình trạng phân bổ tín dụng không rõ ràng, kiểm soát dòng vốn không tốt theo thời gian có thể ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở. Số liệu của NFSC cho thấy, đến hết tháng 5, tỷ trọng cho vay hộ gia đình giảm còn 16,6% (cuối năm 2017 là 17%). Tỷ trọng cho vay vào lĩnh vực xây dựng và bất động sản tăng nhẹ lên mức 16,3% (cuối năm 2017 là 16%).
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng việc nới room cần phải được đặt bên cạnh việc giải quyết các vấn đề nợ xấu đang hiện hữu. Đây là vấn đề quan trọng để đảm bảo tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được chuyển thể vào tăng trưởng kinh tế cao hơn và bền vững hơn trong tương lai.
Tại họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng năm 2018 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho toàn ngành trong năm nay là 18%.
Bà Hồng khẳng định, từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng trưởng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Cơ cấu tín dụng đã hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.