Sớm nâng kế hoạch năm vì lợi nhuận tích cực
Với mức lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng trong quý I/2018, thông tin của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, có thể Vietcombank (VCB) sẽ sớm nâng kế hoạch lợi nhuận 2018 từ 13.000 tỷ đồng lên 14.000 tỷ đồng. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018, VCB đã một lần nâng chỉ tiêu lợi nhuận năm 2018 từ 12.000 tỷ đồng lên 13.000 tỷ đồng.
Sở dĩ VCB tự tin bởi kết thúc quý đầu năm nay, VCB đạt mức tăng trưởng đột biến với con số lợi nhuận 4.359 tỷ đồng, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là tốc độ tăng trưởng kỷ lục trong quý I hàng năm của ngân hàng này. Các chỉ tiêu khác của VCB cũng rất lạc quan với 6.197 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong quý I, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2017; mảng dịch vụ đạt 881 tỷ đồng lãi thuần, tăng 35,5%.
Từ năm 2018, VCB dự kiến gia tăng tỷ trọng tín dụng bán lẻ để có tỷ lệ lãi cận biên (NIM) cao hơn, tỷ trọng vượt trên 40% và thậm chí năm nay có thể đẩy lên gần 50% cơ cấu. Trong đó, VCB tập trung ở mảng tín dụng bán lẻ có tài sản thế chấp, thay vì tín chấp như xu hướng ở một số ngân hàng khác.
Không chỉ đạt lãi cao trong kinh doanh, VCB còn thu về hàng trăm tỷ đồng từ thoái vốn tại các tổ chức tín dụng khác. Cụ thể, VCB thu về 340 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Saigonbank và Công ty Tài chính Xi măng; thu về 172 tỷ đồng từ thoái vốn khỏi OCB. Hiện VCB còn nắm giữ cổ phần tại Eximbank và MB. Theo nhận định của CTCK TP.HCM (HSC), việc thoái vốn khỏi 5 tổ chức tín dụng nói trên có thể đem về cho VCB khoản lợi nhuận lên đến gần 2.500 tỷ đồng.
Với Ngân hàng Á Châu (ACB), kế hoạch lợi nhuận 5.699 tỷ đồng được đặt ra trong năm 2018 có vẻ không quá cao so với năng lực hiện nay của Ngân hàng. Thậm chí, mức lợi nhuận trước thuế năm 2018 còn được kỳ vọng tăng đột biến, đạt trên 6.000 tỷ đồng (tăng trưởng 141%) khi không còn phải trích lập dự phòng cho nợ của nhóm 6 công ty và trái phiếu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).
Trong quý I/2018, lợi nhuận của ACB đạt 1.491 tỷ đồng, tăng 151% so với cùng kỳ năm 2017. Năm nay, ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong mức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ là 15%, huy động vốn từ tiền gửi khách hàng, tổng tài sản cùng tăng 18%. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, NIM của ACB tăng lên trong những năm qua. Để cải thiện được chỉ tiêu này, ACB đã phải đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, thu hồi nợ xấu, cân bằng được huy động và cho vay.
Với VPBank, các chuyên gia phân tích từ CTCK MB (MBS) cho rằng, lợi suất từ thị trường tài chính tiêu dùng sẽ hỗ trợ cải thiện NIM của ngân hàng này lên đến 9,42% trong năm 2018.
Với mức độ thâm nhập thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam khá thấp, sự thuận lợi của các quy định pháp lý hiện tại, cũng như vị trí thống trị của công ty tài chính trực thuộc FE Credit, VPBank có thể vẫn chiếm lĩnh thị trường ngách này trong ngắn hạn, dự kiến đóng góp 27% vào tổng các khoản cho vay năm 2018 của Ngân hàng (tăng 39% so với năm 2017).
Đó cũng là cơ sở để VPBank đưa ra mục tiêu lợi nhuận 10.800 tỷ đồng trước thuế năm 2018 và không loại trừ việc vượt chỉ tiêu này. Kết thúc quý I/2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 2.619 tỷ đồng.
Lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng
Không phải đến thời điểm này mà ngay trong mùa ĐCHĐ thường niên ngành ngân hàng vừa qua, không ít nhà băng đã dự báo tình hình hoạt động của ngành năm nay sẽ có sự khởi sắc nên đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng về lợi nhuận.
Một kịch bản tăng trưởng phù hợp với các chỉ tiêu kinh doanh và kịch bản còn lại dự kiến vượt kế hoạch lợi nhuận đưa ra khi được nới room tăng trưởng tín dụng. Thị trường khởi sắc, cùng với một số kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản ấm trở lại đã thu hút khách hàng vay vốn ngân hàng mua nhà, mở rộng sản xuất – kinh doanh…
Đồng thời, một trong những nút thắt nợ xấu của các nhà băng được cởi bỏ kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/2018. Nhờ đó, các nhà băng không chỉ giảm dự phòng, mà còn được hoàn nhập dự phòng nợ xấu đã trích lập trước đó. Chẳng hạn, quý đầu năm nay, VCB ghi nhận 1.500 tỷ đồng các khoản thu ngoại bảng, xử lý được nợ xấu và hoàn nhập dự phòng.
Định hướng trong năm 2018, VCB sẽ cơ cấu lại danh mục tín dụng theo hướng rút giảm dư nợ doanh nghiệp có tình hình tài chính suy giảm, khách hàng có lãi suất thấp và hiệu quả tổng thể không cao, cùng với đó là kiểm soát tốc độ tăng trưởng dư nợ trung-dài hạn; phát triển khách hàng theo chuỗi, tăng cường bán chéo; chú trọng nguồn vốn huy động giá rẻ và huy động vốn ngoại tệ.
Với các lý do trên, SSI Research nhận định, lợi nhuận của VCB có thể tăng 33% trong năm 2018, vượt xa kế hoạch mà Ngân hàng đã trình ĐHCĐ thông qua năm nay.
Cụ thể, theo SSI Research, lợi nhuận trước thuế năm 2018 của VCB có thể đạt 15.107 tỷ đồng. SSI Research giả định tăng trưởng tín dụng của VCB đạt 18% và tỷ lệ NIM giữ ở mức 2,48% so với mức 2,47% của năm 2017.
Bên cạnh đó, VCB có thể thu về khoảng 1.640 tỷ đồng từ việc thoái vốn tại các công ty tài chính và tổ chức tín dụng như CFC, OCB, HVN, EIB và MBB. Tỷ lệ nợ xấu của VCB dự kiến ở mức 1,14%, giảm nhẹ so với mức 1,23% của năm 2017.
Sau khi nhận sáp nhập PGBank (dự kiến hoàn tất vào tháng 8/2018), HDBank cho biết, lãi trước thuế mục tiêu cho năm 2018 được nâng từ 3.933 tỷ đồng lên 4.712 tỷ đồng. Theo lãnh đạo HDBank, tính đến tháng 5/2018, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt hơn 14%. Trong khi đó, kết thúc quý đầu năm, lợi nhuận hợp nhất của HDBank đạt 1.045 tỷ đồng; trong đó, HDBank riêng lẻ đạt 851 tỷ đồng, tăng 201,8% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 27,5% kế hoạch cả năm.
Nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,22%. HDBank đã phát triển thêm hơn 48.504 khách hàng cá nhân; 700 khách hàng doanh nghiệp, tăng 103% so với cuối năm 2017. Riêng Công ty Tài chính tiêu dùng HD SAISON liên doanh với tập đoàn hàng đầu về tài chính tiêu dùng và thẻ của Nhật là Credit Saison đã phục vụ hơn 3,9 triệu khách hàng, tăng 151,91% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, bên cạnh con số lợi nhuận khả quan trong quý I/2018, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cũng cho hay, năm nay, ACB sẽ nỗ lực xử lý nợ xấu để hoàn nhập khoảng 500 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro vào lợi nhuận. Vì thế, nhiều khả năng ACB sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Với lãi quý I/2018 đạt 600 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành 30% kế hoạch năm, OCB cho hay, khả năng sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2018. OCB đặt mục tiêu kinh doanh năm nay là 2.000 tỷ đồng, gấp đôi mức thực hiện năm trước. Mục tiêu tổng tài sản đạt 115.700 tỷ đồng, tăng trưởng 37%; huy động vốn tăng trưởng 36%, lên 104.407 tỷ đồng; tổng dư nợ thị trường 1 tăng trưởng 25%, đạt 60.679 tỷ đồng.
Mục tiêu lợi nhuận đưa ra của OCB cho năm 2018 được xem là đột phá so với những năm trước đó, song ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, nhiều khả năng OCB sẽ thu hồi được toàn bộ khoản nợ xấu 728 tỷ đồng trái phiếu VAMC và không phải trích lập dự phòng. Tuy nhiên, OCB chưa đưa khả năng này vào dự toán lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng năm 2018.
Có thể thấy, hầu hết nhóm ngân hàng hàng đầu đều có 5 tháng kinh doanh đầu năm khởi sắc với những khoản lợi nhuận nghìn tỷ. Và theo các tổ chức nghiên cứu, dù mức tăng trưởng tín dụng năm 2018 có thể thấp hơn năm 2017, nhưng lợi nhuận toàn ngành có thể tăng khoảng 20-25%. Do đó, dự báo sẽ còn nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận năm nay.