Thông tin trên được đưa ra trong Báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) công bố.
Một báo cáo khác của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 4 năm nay cũng cho biết, Việt Nam đứng thứ 10 thế giới về tiếp nhận kiều hối trong năm 2017 với 13,8 tỷ USD, tăng từ 11,9 tỷ USD năm 2016 và 13,2 tỷ USD năm 2015.
Đó là điều khá bất ngờ khi mà tại thời điểm cuối năm 2016, đầu năm 2017, nhiều tổ chức quốc tế đều thận trọng cho rằng kiều hối năm 2017 có thể tiếp tục giảm mạnh do tác động từ chính sách chống nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Trước đó, vào năm 2016, kiều hối cũng giảm tới 10% so năm 2015 khi chỉ đạt 9 tỷ USD.
Nguyên nhân dẫn tới chuyển động đầy bất ngờ này của dòng kiều hối một phần cũng bởi tình hình kinh tế thế giới năm 2017 tăng trưởng rất tốt, kéo theo thu nhập, dòng tiền chuyển về nhiều hơn. Thế nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư được cải thiện tích cực đã củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Việt kiều nói riêng chuyển tiền về nước đầu tư kinh doanh.
“Kiều hối đã góp phần hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, làm tăng dự trữ ngoại hối và cân đối cán cân vãng lai của đất nước”, UNDP cho biết. Quả vậy, với tổng giá trị lên tới 13,8 tỷ USD, chẳng thua kém bao nhiêu so với lượng vốn FDI giải ngân trong năm 2017 (17,5 tỷ USD), kiều hối là một nguồn lực quan trọng hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt với một quốc gia đang phát triển cần rất nhiều vốn như Việt Nam.
Bên cạnh đó, lượng cung ngoại tệ lớn từ kiều hối còn hỗ trợ tích cực duy trì ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá; góp phần giúp cán cân thanh toán tổng thể thặng dư tới 12,54 tỷ USD trong năm vừa qua, qua đó nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức kỷ lục mới vào cuối năm 2017 là 52 tỷ USD và tiếp tục tăng lên mức 64 tỷ USD như hiện nay. Dự trữ ngoại hối tăng cao chẳng những giúp nền kinh tế tăng sức đề kháng trước các cú sốc từ bên ngoài, mà còn nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trước các nhà đầu tư quốc tế.
Không chỉ ở quy mô, cơ cấu kiều hối cũng có sự thay đổi tích cực. Nếu như những năm trước đây, kiều hối chuyển về nước chủ yếu là để hỗ trợ thân nhân hoặc gửi tiết kiệm lấy lãi khi mà lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước phát triển, thì nay đa phần lượng kiều hối chuyển về là để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Minh chứng rõ nét là từ cuối năm 2016, lãi suất tiền gửi USD đã được giảm về mức 0%, trong khi lãi suất đồng USD tại Mỹ đang có xu hướng tăng, nhưng lượng kiều hối vẫn tăng khá mạnh và chủ yếu là kiều hối đầu tư.
Dòng kiều hối đầu tư tăng mạnh là một bằng chứng cho thấy môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện thông thoáng hơn, trong khi đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh… Cũng chính bởi các lý do này nên không ít tổ chức nước ngoài như WB dự báo, dòng kiều hối chảy về Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá cao, khoảng 5-7% trong năm 2018. Trên thực tế, số liệu thống kê cũng cho thấy lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong 7 tháng đầu năm đã đạt tới 2,9 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Thế nhưng, cũng giống như vốn FDI, dòng kiều hối đầu tư có thể chậm lại, thậm chí đảo chiều nếu các yếu tố trên không còn nữa. Hay nói cách khác, để thu hút kiều hối bền vững, yếu tố then chốt vẫn là ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để củng cố niềm tin của các nhà đầu tư kiều bào.