Thanh khoản tăng mạnh, nhưng đa số nhà đầu tư vẫn quan sát
Một năm trước, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được đưa vào giao dịch. Sản phẩm này có những lợi thế mà nhiều nhà đầu tư chờ đợi, đó là được mua bán hai chiều, đóng/mở vị thế liên tục trong phiên, lãi – lỗ được hoạch toán ngay lập tức, tỷ lệ ký quỹ thấp.
Đối với cơ quan quản lý, nhà tạo lập thị trường, TTCK phái sinh giúp đa dạng hóa sản phẩm, tăng sản phẩm đầu tư, tăng cơ hội và ưu tiên lớn nhất của thị trường phái sinh là cung cấp công cụ để quản lý rủi ro. Tuy nhiên, TTCK phái sinh cũng có mức độ rủi ro cao nên ban đầu chỉ đưa sản phẩm hợp đồng tương lai dựa trên tài sản cơ sở là chỉ số VN30, chỉ số giá của 30 cổ phiếu lớn và thanh khoản hàng đầu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Tại ngày giao dịch đầu tiên, có gần 500 hợp đồng được chuyển nhượng, một con số rất khiêm tốn, nhưng đến tháng 7/2018, khối lượng giao dịch đạt bình quân gần 130.000 hợp đồng/phiên. Hiện có trên 39.000 nhà đầu tư mở tài khoản tham gia TTCK phái sinh, liên tục tăng lên kể từ khi thị trường này mở cửa, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số hơn 2 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán trên toàn TTCK Việt Nam.
Tất nhiên, không phải tài khoản chứng khoán nào cũng có giao dịch thường xuyên, phần lớn tài khoản được mở để tiện thực hiện các quyền cổ đông như nhận cổ tức. Trên thị trường phái sinh, số tài khoản có giao dịch hiện đạt khoảng 6.000 tài khoản, trong đó hầu hết là nhà đầu tư cá nhân.
Thực tế, phần lớn nhà đầu tư vẫn thận trọng đứng ngoài, quan sát và học hỏi trước khi tham gia TTCK phái sinh. Có những nhà đầu tư nói không với thị trường phái sinh ngay từ đầu, vì không có thời gian bám sàn và cảm thấy rất rủi ro.
Anh Phạm Minh T chia sẻ: “Bản thân không có thời gian nên tôi chỉ mua cổ phiếu tốt ở mức giá hợp lý để đầu tư, không quan tâm đến TTCK phái sinh. Thời gian gần đây, liên tục có nhân viên công ty chứng khoán gọi điện, gửi email chào mời đầu tư trên TTCK phái sinh, cơ hội sinh lời hấp dẫn, nhưng tôi từ chối”.
Không ít nhà đầu tư chứng khoán phái sinh cho hay, “lướt sóng” trên TTCK phái sinh rất hấp dẫn, nhưng sau một thời gian bám sàn, lãi thì ít mà lỗ thì nhiều.
“Thị trường tăng thì nhà đầu tư mở vị thế mua có lãi, thị trường giảm thì nhà đầu tư mở vị thế bán có lãi. Tuy nhiên, số nhà đầu tư duy trì vị thế để hưởng thành quả trong trường hợp thị trường diễn biến như dự báo rất ít, đa số là mở và đóng vị thế nhiều lần ngay trong phiên nhằm hưởng chênh lệch giá hoặc cắt lỗ. Bù đi bù lại, sau khi trừ phí giao dịch và thuế, số nhà đầu tư có lãi không nhiều. Đặc biệt, trong những tháng gần đây, thị trường biến động khó dự đoán, đa số nhà đầu tư thua lỗ, trong đó có tôi”, một nhà đầu tư nói.
Môi giới tại một công ty chứng khoán cho biết, khi thị trường phái sinh mở cửa, anh rất hào hứng và thường xuyên mua – bán trong ngày, nhưng sau một thời gian thì cảm thấy mệt mỏi vì phải dành phần lớn thời gian theo dõi màn hình. Hơn nữa, tự giao dịch cho mình thì bị cảm xúc chi phối quá nhiều nên không thực sự hiệu quả. Giờ đây, anh chỉ tập trung vào việc tư vấn và giao dịch cho khách hàng.
Theo vị môi giới trên, trong số khách hàng giao dịch phái sinh của công ty, đa số là nhà đầu tư trên thị trường cơ sở, họ dành một phần ngân sách thực hiện “lướt sóng” trong phiên nhằm hưởng chênh lệch giá, chứ không có nhu cầu phòng hộ rủi ro cho danh mục cổ phiếu cơ sở, vì danh mục của họ không nhiều. Chỉ có một số nhà đầu tư lớn mở vị thế bán hợp đồng tương lai trong giai đoạn thị trường cơ sở sụt giảm là nhằm phòng hộ rủi ro cho danh mục cơ sở.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán gần đây viết trên dòng trạng thái tài khoản facebook cá nhân rằng: “Phái sinh là công cụ để phòng vệ rủi ro, nhưng nếu biến nó thành “sòng bạc” thì rất có thể chứng khoán phái sinh trở thành tai ương cho thị trường”.
Được và mất trên TTCK phái sinh
Với TTCK phái sinh, nhà đầu tư có thể phòng hộ rủi ro cho danh mục cơ sở khi thị trường cơ sở giảm điểm. Cụ thể, nhà đầu tư có thể mở vị thế bán hợp đồng tương lai chỉ số khi sở hữu chứng khoán cơ sở, nếu thị trường cơ sở giảm điểm thì mức lãi trên TTCK phái sinh sẽ giúp nhà đầu tư bù đắp khoản lỗ từ TTCK cơ sở. Tuy nhiên, mục đích này ít được sử dụng, mà thay vào đó, nhà đầu tư tranh thủ sự biến động giá của thị trường để mua – bán, hưởng chênh lệch ngay trong phiên.
Trong bối cảnh thị trường cơ sở khó kiếm tiền thì TTCK phái sinh càng hấp dẫn. Các lớp học về chứng khoán phái sinh, chiến lược mua bán chứng khoán phái sinh, phân tích kỹ thuật bùng nổ theo diễn biến sôi động của TTCK phái sinh.
“Trên TTCK phái sinh, càng giao dịch nhiều thì sự hiệu quả đầu tư càng ít. Thị trường không biến động nhiều thì khó kiếm được chênh lệch đủ lớn, thị trường biến động mạnh trong phiên thì mua bán sai vị thế là có thể thua lỗ lớn trong một phiên”, một chuyên gia chứng khoán nhận xét.
Theo vị chuyên gia này, trong các thương vụ lướt sóng trên TTCK phái sinh, tổng lãi – lỗ là bằng không, có người được thì sẽ có người mất, tiền từ túi nhà đầu tư này chuyển sang túi nhà đầu tư khác. Cuộc chơi càng đông người tham gia thì sẽ càng khó kiếm lời trong ngắn hạn, người tham gia cần phải có sự hiểu biết sâu về sản phẩm, dịch vụ và có kinh nghiệm trong phân tích và quan sát thị trường.
Chứng khoán phái sinh giúp đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm cơ hội đầu tư cũng như phòng hộ rủi ro cho các thành viên trên TTCK. Các công ty chứng khoán có sự chuẩn bị kỹ càng cơ sở hạ tầng cho chứng khoán phái sinh là những người được lợi khi có thêm cơ hội để thu hút khách hàng, gia tăng nguồn thu phí môi giới.
Người mất đó là những nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm nhưng mong muốn có lợi nhuận nhanh, mua bán liên tục trong phiên, dẫn đến thua lỗ, đồng thời mất nhiều thời gian theo dõi bảng điện và căng thẳng đầu óc.
Những công ty chứng khoán chưa được tham gia cung cấp dịch vụ phái sinh nhiều khả năng mất một phần khách hàng trong điều kiện thị trường cơ sở có diễn biến xấu.