Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO Foods (mã KDF) vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, KDF cho biết, năm nay, KDF sẽ đa dạng hóa danh mục sản phẩm, thâm nhập phân khúc siêu cao cấp, đẩy mạnh phát triển phân khúc cao cấp, dẫn đầu phân khúc phổ thông và tấn công chiếm lĩnh thị phần Kem ở phân khúc đại chúng.
Năm 2017, thị phần kem của KDF đã tăng từ mức 38,1% năm 2016 lên 40,2%. Tốc độ tăng trưởng của KDF trong ngành kem đạt 15,7% cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân 14,7% của ngành.
Mặc dù mảng kem của KDF vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, nhưng năm 2017 mảng này ghi nhận những khó khăn do sự trở lại thị trường Việt Nam của thương hiệu kem Wall’s và sự cạnh tranh từ các thương hiệu khác; ảnh hưởng của yếu tố thời tiết – nhiều thời gian mưa bão và lạnh hơn.
Thực tế, các thương hiệu ngoại không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của KDF, nhưng phần nào đã lấy đi một lượng khách hàng tiêu thụ sản phẩm cao cấp của KDF. Có thể thấy rất rõ, thời gian qua, thị trường kem đón nhận ngày càng nhiều sự xuất hiện các thương hiệu nước ngoài đến Việt Nam đầu tư mạnh mẽ. Các thương hiệu lớn trên thế giới đã gia nhập thị trường và tăng độ phủ nhận diện thương hiệu thông qua việc liên tục mở rộng hệ thống cửa hàng. Chẳng hạn, Baskin Robbins đã đạt mức gần 50 cửa hàng, hệ thống kem Bud’s đã mở 12 cửa hàng. Tương tự, kem Fanny có 11 cửa hàng phủ khắp cả nước, Snowee 4 cửa hàng, Haagen Dazs 2 cửa hàng… Hầu hết các thương hiệu quốc tế tập trung cho phân khúc sản phẩm cao cấp, phục vụ chủ yếu tại cửa hàng được thiết kế đẹp, tinh tế để gia tăng trải nghiệm, cảm xúc cho khách, nên có mức giá khá cao.
Theo EuroMomitor, ngành kem và thực phẩm tráng miệng đông lạnh của Việt Nam được dự báo tăng trưởng kép 7%/năm cho giai đoạn 2017 – 2022.