Động thái tìm kiếm cơ hội đầu tư của các tổ chức đầu tư hàng đầu thế giới cho thấy, một mặt, khủng hoảng kinh tế kép – vốn đang được nhiều người lo ngại – hầu như không có khả năng xảy ra. Mặt khác, TTCK Việt Nam đang có cơ hội hồi phục nếu Chính phủ có những biện pháp mạnh và kịp thời, thu hút dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư tầm cỡ trên thế giới”.
Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong cuộc tọa đàm tại Báo Đầu tư về “Chính sách tiền tệ, thị trường tiền tệ những tháng cuối năm” sáng 27/8.
Những tín hiệu tích cực
Theo TS. Nghĩa, kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn nhất diễn ra vào quý I/2011 khi lạm phát ở mức trên 2%/tháng, uy tín tài chính trên trường quốc tế của Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng và dự trữ ngoại hối ở mức rất thấp. Bức tranh kinh tế tháng 7 và tháng 8 đang cho thấy những tín hiệu tích cực, khi tốc độ tăng của lạm phát giảm dần, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, dữ trữ ngoại hối tăng từ 7 tuần nhập khẩu (tháng 7) lên gần 8 tuần nhập khẩu (khoảng 15 tỷ USD, tính đến cuối tháng 8/2011). Mặc dù còn phải đối mặt với các thách thức rất lớn như lãi suất vẫn ở mức cao và nợ công đang tăng nhanh chóng (hiện bằng 58% GDP, trong khi 4 năm trước đó mới ở mức 35% GDP), nhưng ông Nghĩa cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang có những chuyển động tích cực cả về thực lực và cách thức điều hành.
Cuộc làm việc tuần qua của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ với gần 30 nhà khoa học, tư vấn chính sách – như lời TS. Nguyễn Chí Hiếu – một trong 30 người dự cuộc làm việc này – là đã mở ra một phong cách làm việc mới, khi Chính phủ thực sự lắng nghe những ý kiến phản biện từ dân. Dù rất nhiều ý kiến gai góc, phê phán thẳng thắn những vấn đề đang tồn tại, nhưng thái độ lắng nghe và tiếp thu một cách cầu thị của các lãnh đạo cao nhất trong bộ máy Chính phủ Việt Nam đã mang đến một niềm tin vào khả năng điều hành nền kinh tế vượt qua khó khăn của Chính phủ nhiệm kỳ mới. Cũng theo ông Hiếu, vẫn biết tình trạng đất nước hiện nay trong cảnh ‘cái khó bó cái khôn’, nhưng ông cho rằng, việc bộ máy Chính phủ mở một diễn đàn để lắng nghe các ý kiến phản biện, các ý kiến đóng góp điều hành kinh tế đất nước là một tiến trình đáng mừng, đó là một điểm sáng trong khó khăn.
Trên ‘điểm nóng’ thị trường tiền tệ, theo TS. Nghĩa, ngay khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nhậm chức, ông đã đưa ra 3 thông điệp quan trọng là ổn định tỷ giá; ổn định thị trường vàng và giảm lãi suất trên thị trường tiền tệ. Vẫn còn rất nhiều thách thức và ý kiến khác nhau xung quanh những thông điệp này, nhưng rõ ràng, quyết tâm của Thống đốc được thể hiện rất rõ trước người dân và cách thức thực hiện những quyết sách này cũng đang thể hiện một sự đổi mới thực sự.
Đầu tiên, về quan điểm, Thống đốc cho rằng, thị trường tiền tệ sẽ chủ yếu thực hiện chức năng huy động và cung ứng vốn ngắn hạn, chức năng dẫn vốn vốn trung và dài hạn không phải là của hệ thống ngân hàng mà là của TTCK. Theo ông Nghĩa, quan niệm như vậy là hoàn toàn đúng với bản chất của hệ thống ngân hàng thương mại. Việc tách bạch rõ ràng vai trò của hệ thống ngân hàng và vai trò của TTCK sẽ tạo điều kiện để TTCK phát triển, các DN sẽ dần dần biết cách điều tiết nguồn vốn của mình giữa 2 thị trường. Đây là một điểm mới – một sự đổi mới về mặt nhận thức quan trọng liên quan đến TTCK Việt Nam, bởi trong suốt nhiều năm qua, vai trò dẫn vốn luôn là của hệ thống ngân hàng với cả vốn ngắn, trung và dài hạn, còn vai trò của TTCK Việt Nam thì quá mờ nhạt trong con mắt công chúng và cả hệ thống công quyền.
TTCK: Chờ quyết sách mới ở tầm vĩ mô
Với tư cách Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Nghĩa cho rằng, vai trò điều hành TTCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) là còn mờ nhạt khi cơ quan này thiếu những sáng kiến, những hành động mạnh mẽ để khẳng định vai trò của TTCK và kích hoạt sự phát triển của TTCK Việt Nam. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn TTCK Việt Nam đến tình trạng suy giảm trầm trọng, niềm tin bị xói mòn và dòng vốn vào thị trường ngày càng cạn kiệt, mà giải pháp cho nó, có lẽ phải trông chờ những quyết sách mới từ Chính phủ thì mới mong tạo ra một không khí đầu tư mới vào thị trường này.
Về thực lực của nền kinh tế, theo TS. Nghĩa, chỉ số lạm phát đã bắt đầu giảm (tăng chậm lại, dưới 1%/tháng) và từ tháng này trở đi, hiệu ứng về thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa sẽ phát huy tác dụng. Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, từ 22% (quý I) xuống hiện còn 12%. Lãi suất trái phiếu chính phủ giảm từ 14% xuống còn 12%, dự trữ ngoại hối tăng đến gần 8 tuần nhập khẩu… Riêng với nợ công, ở mức 58% GDP, so với các nước như Mỹ (100% GDP), Nhật (200% GDP)… thì Việt Nam vẫn trong giới hạn an toàn, tuy nhiên do mức độ tích lũy tài sản của Việt Nam còn hạn chế, nên nếu tỷ lệ nợ công tiếp tục tăng cao thì sẽ là vấn đề đáng lo ngại. Theo TS. Nghĩa, nợ công Việt Nam có tốc độ tăng rất nhanh trong 4 năm qua, nhưng sẽ vẫn an toàn nếu tỷ lệ sinh lợi đồng vốn vay này lớn hơn tỷ lệ lãi vay thực trả. |
Đến thời điểm này, sau 11 năm hoạt động, dư luận hầu như vẫn chưa coi TTCK là một thị trường có vai trò quyết định với việc huy động vốn dài hạn, cũng chưa ý thức được rằng, 11 năm qua, dù gặp nhiều sóng gió, nhưng TTCK đã huy động được lượng vốn khổng lồ cho các DN, trong đó có các ngân hàng và các ngành khác. Không có TTCK sẽ không thể có những ngân hàng quy mô vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng trở lên. Hầu hết các ngân hàng của thập niên 90 có vốn chỉ vài chục tỷ đồng, nhưng chính nhờ có TTCK, vốn của ngân hàng đã được tăng đến hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng, tạo nền tảng vững chắc hơn cho hệ thống ngân hàng. Vai trò TTCK còn mờ nhạt, thậm chí bị coi như một cái chợ cóc, như cờ bạc cộng với việc hàng hóa trên thị trường có chất lượng chưa cao là nguyên nhân chính khiến kênh đầu tư chứng khoán ngày càng mất đi sự hấp dẫn.
Để kích hoạt TTCK Việt Nam, ông Nghĩa cho biết, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự kiến sẽ trình Chính phủ một bản đề xuất các giải pháp cho TTCK nước nhà. Theo đó, kiến nghị đầu tiên là cần tạo nên một không khí đầu tư mới vào TTCK Việt Nam, bằng việc mở room cho các mã chứng khoán tốt, kể cả room của cổ đông chiến lược để thu hút những dòng vốn lớn, những dòng vốn chiến lược. Sự kiện một tập đoàn các nhà đầu tư quốc tế sẽ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam tháng 9 tới cho thấy sự quan tâm của họ đến TTCK Việt Nam không phải nhỏ, nhưng đáp lại sự quan tâm này, Việt Nam cần có những hàng hóa xứng với tầm vóc của các nhà tài phiệt quốc tế. Trên quan điểm như vậy, ông Nghĩa cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh cổ phần hóa các DN lớn trong các ngành tiềm năng như viễn thông, hàng không, khoáng sản…, đồng thời cần cải tổ thị trường trái phiếu để thu hút các nhà đầu tư trụ cột, làm nền tảng ổn định TTCK và nâng tầm TTCK Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các quy định về cho vay đối với chứng khoán, bất động sản phải rà soát lại, phải mở ra một cửa tín dụng cho 2 mảng thị trường này, chứ không nên cấm hay hạn chế bằng biện pháp hành chính như hiện nay. Một yêu cầu không thể thiếu với TTCK là phải tăng cường tính minh bạch và chất lượng quản trị DN đại chúng. Vấn đề này, theo ông Nghĩa, UBCK đang có những nỗ lực để thực hiện, nhưng cần làm mạnh hơn nữa, cần có chế tài quyết liệt hơn nữa mới có thể giữ được uy tín của TTCK Việt Nam.
Dư luận đang rất chờ đợi những quyết sách mạnh mẽ từ phía Chính phủ để kích hoạt TTCK Việt Nam – một thị trường mà gần 2 năm qua, hầu như luôn chìm trong sắc đỏ.