Thứ nhất, phá giá không làm giảm đáng kể nhập khẩu do rất nhiều hàng nhập khẩu hiện nay là đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Trong khi đó, phá giá chưa chắc làm cho hàng xuất khẩu cạnh tranh hơn so với các nước. Vì Việt Nam phá giá, các nước khác có khả năng cũng phá giá theo. Ai cũng thấy đây là cuộc đua xuống đáy của các quốc gia.
Ngoài ra trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam, phần lớn nguyên liệu đến từ nhập khẩu, phá giá làm cho chi phí nguyên liệu nhập khẩu cấu thành trong hàng xuất khẩu đắt hơn. Hiệu ứng ròng là làm cho ý đồ phá giá với mục đích tăng xuất khẩu sẽ bị giảm đi tác động đáng kể.
Theo Ngân hàng Thế giới, tính trên bình diện toàn cầu, có đến 40% hiệu ứng phá giá với mục đích tăng xuất khẩu đã bị triệt tiêu bởi chi phí nhập khẩu tăng lên trong chính bản thân của hàng xuất khẩu đó.
Thứ hai, phá giá làm tăng các khoản chi trả nợ nước ngoài. Năm 2017, các khoản chi trả nợ nước ngoài của Việt Nam là 36% trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ (tăng 6,3% so với năm 2016), vượt mức ngưỡng 25% do Chính phủ đặt ra. Nay nếu phá giá, con số này sẽ càng tăng mạnh, đe dọa đến sự ổn định của hệ thống tài chính nội địa.
Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế luôn nhìn vào các ngưỡng này để xem xét liệu có hạ điểm tín nhiệm chủ quyền quốc gia. Nếu bị đánh hạ điểm tín nhiệm, Việt Nam phải chi trả lãi suất cao hơn cho các đợt phát hành trái phiếu vay nợ quốc tế sau này.
Thứ ba, tăng trưởng GDP hiện đang có dấu hiệu chậm lại, lạm phát có dấu hiệu tăng lên. Phá giá góp phần làm tăng lạm phát (giá) nhập khẩu. Cộng hưởng lại, phá giá càng làm cho lạm phát ngoài tầm kiểm soát. Kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam luôn ủng hộ cho luận điểm này, sau khi phá giá thì lạm phát và nhất là kỳ vọng lạm phát lúc nào cũng tăng lên. Chẳng hạn, sau đợt phá giá mạnh tiền đồng (tỷ giá tăng 9,3%) đầu năm 2011, đến cuối năm lạm phát cả năm 2011 là 18,58% (vượt mục tiêu lạm phát 7%).
Thứ tư, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy dòng vốn toàn cầu có xu hướng chảy ra khỏi một quốc gia thuộc nền kinh tế mới nổi thường diễn ra đồng thời với cả khu vực của các nền kinh tế mới nổi châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi. Đây là hiện tượng chưa từng có trước đây. Lý do là các nhà đầu tư toàn cầu giờ đây đặt thái độ ứng xử với rủi ro cao hơn bất kỳ các yếu tố nào khác khi họ quyết định đầu tư vào một quốc gia nào đó. Lạm phát Việt Nam đang có xu hướng tăng tốc, đồng tiền lại bị phá giá càng kích hoạt thêm thái độ không ưa thích rủi ro của nhà đầu tư. Hậu quả là dòng vốn quốc tế có thể tháo chạy khỏi Việt Nam. Còn những nhà đầu tư đang dự định bỏ vốn vào chắc chắn sẽ rút lại quyết định của mình. Vì ai lại mạo hiểm đầu tư vào một nước mà đồng tiền đang bị phá giá.
Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang kết hợp với những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu khiến thị trường chứng khoán giảm điểm liên tục. Nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng; một số khác còn đang thăm dò tình hình. Nay chỉ cần manh nha động thái phá giá, có khả năng những nhà đầu tư kiên nhẫn cuối cùng sẽ chuyển ngay toàn bộ phần tiền còn lại ra khỏi Việt Nam (dự kiến khoảng 1 tỉ đô la Mỹ). Diễn biến này sẽ càng tạo sức ép mạnh lên tiền đồng thêm nữa.
Thứ năm, nguy cơ bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ. Theo Bộ Tài chính Mỹ, một quốc gia được gọi là thao túng tiền tệ nếu hội đủ ba điều kiện. Thứ nhất, thặng dư tài khoản vãng lai vượt 3%/GDP. Thứ hai, mua ròng ngoại tệ một chiều chiếm ít nhất 2%/GDP trong 12 tháng. Thứ ba, thặng dư thương mại song phương giữa hai nước vượt 20 tỉ đô la Mỹ. Nếu một quốc gia hội đủ hai trong số ba điều kiện trên sẽ được đặt trong danh sách theo dõi của Bộ Tài chính Mỹ.
Việt Nam hầu như đã hội đủ hai điều kiện: điều kiện thứ hai (liên tục mua ròng đô la Mỹ vượt 2%/GDP trong 12 tháng ) và điều kiện thứ ba (thặng dư thương mại Việt Nam-Mỹ năm 2017 đạt khoảng 32 tỉ đô la và có xu hướng tăng mạnh vào năm 2018). Nay nếu phá giá, có thể làm cho thặng dư tài khoản vãng lai (điều kiện thứ nhất) vượt mức 3%. Động thái này có thể dẫn đến những phản ứng khó đoán định đến từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump, khi mà thặng dư tài khoản vãng lai hiện tại chiếm khoảng 2%/GDP. Thậm chí chỉ cần một lời buộc miệng bất chợt mang tiếng cảnh báo từ vị tổng thống khó lường này, như mới đây ông cảnh báo Trung Quốc đang thao túng tiền tệ, thì thị trường chứng khoán, tỷ giá và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ càng xấu đi.
Phá giá tiền đồng có thể mang lại những kết quả nhất định. Nhưng chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Còn cái giá phải trả trong dài hạn thì quá nhiều và khó đoán định, vượt hơn những lợi ích mang lại.
Vậy tại sao phải phá giá khi mà Việt Nam còn có nhiều lựa chọn khác?
Các lựa chọn chính sách khác, ngoài phá giá, tuy khó khăn nhưng mang lại những hiệu quả rất căn cơ trong dài hạn. Tại sao không nhân cơ hội này và cái cớ này, Chính phủ buộc các bộ ngành phải cắt giảm tối đa các điều kiện kinh doanh để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất vẫn là quyết liệt cải cách thể chế, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng cứng và mềm trong những ngành nghề liên quan đến xuất khẩu để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Có ai đó nói các giải pháp nêu trên chỉ phát huy tác dụng trong dài hạn trong khi lửa chiến tranh thương mại đã bộc phát và nguy cơ chiến tranh tiền tệ đang đến gần. Đúng vậy. Nhưng nó giống như tập thể dục để giảm bệnh mà không phải uống thuốc (phá giá) để nhận quá nhiều phản ứng phụ mà cũng chỉ có tác dụng ngắn hạn. Vậy chọn cách nào? Nếu chọn cách dễ nhất? Thì đó cũng là cách dễ nhất để công chúng và các nhà đầu tư quốc tế biết được khả năng điều hành của Chính phủ và sức khỏe của nền kinh tế hiện nay đang tiến triển tới giai đoạn nào.