Phó thủ tướng yêu cầu như vậy là bởi, nếu các doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn giấu mặt, còn né tránh việc tuân thủ các điều kiện để niêm yết, thì mục tiêu thoái vốn nhà nước với hiệu quả cao nhất theo nguyên tắc thị trường, sẽ không thể đạt được.
Cách đây 1 năm, con số này được Bộ Tài chính báo cáo là 747 doanh nghiệp. Mới đây nhất, 233 doanh nghiệp trong số này đã tự nguyện đăng ký niêm yết. Như vậy, còn trên 500 doanh nghiệp giấu mặt, trong đó tập trung tại một số tổng công ty như Máy và Thiết bị công nghiệp, Thép Việt Nam, Xi măng Việt Nam… Điều đáng nói là Ủy ban Chứng khoán nhà nước không có thông tin gì về số doanh nghiệp này.
Với kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng như thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đang được rốt ráo thực hiện, số doanh nghiệp trong diện phải đăng ký niêm yết sẽ còn tăng nhiều. Nếu không có những giải pháp mạnh, danh sách doanh nghiệp cố tình giấu mặt sau cổ phần hóa chắc sẽ không dừng lại. Hệ lụy của tình trạng không có thông tin đầy đủ này là rất lớn, nhìn cả ở góc độ thị trường lẫn yêu cầu minh bạch quản lý phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp.
Tất nhiên, có vô vàn lý do để các doanh nghiệp sau cổ phần hóa không muốn niêm yết, cả khách quan và chủ quan. Ngay trong số 233 doanh nghiệp đã đăng ký niêm yết, cũng có 24 doanh nghiệp phải hủy do không đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng; 95 doanh nghiệp chưa hoàn tất thủ tục niêm yết trên sàn chứng khoán.
Dù vậy, khi thông tin của các doanh nghiệp này lộ diện trước thị trường, giới đầu tư, chịu sự giám sát, so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành, thi lãnh đạo doanh nghiệp cũng như các đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ không thể né tránh việc tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc kinh doanh, quản trị rủi ro của các công ty đại chúng, theo đúng kỷ luật của thị trường.
Sẽ có những cú sốc nhất định với một vài doanh nghiệp sau cổ phần hóa do doanh nghiệp nhà nước chưa bị bắt buộc phải thực hiện các quy định về quản trị, về công bố thông tin như công ty niêm yết, nhưng đó là cú sốc cần thiết để nâng nhanh hiệu quả quản trị trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Các cú sốc này cũng là bài học để quyết tâm nâng cao quản trị doanh nghiệp nhà nước theo chuẩn mực của quản trị hiện đại nhanh chóng được thể hiện trong các chỉ tiêu hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu chí đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp mà đại diện chủ sở hữu nhà nước phân giao cho các doanh nghiệp nhà nước. Nguyên tắc sẽ không chỉ còn là bảo toàn vốn nhà nước, mà phải đảm bảo hiệu quả kinh doanh theo quy luật thị trường, theo giá thị trường…
Đây cũng là con đường minh bạch nhất trong xác định giá phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Có lẽ, bài học trong thoái vốn nhà nước với mức giá cao hơn sau khi niêm yết của Vinamilk, Sabeco… vẫn còn nguyên giá trị.