Tỷ giá vẫn quanh mức hơn 23.000 VND/USD
Tỷ giá tại các ngân hàng và trên thị trường tự do trong chiều hướng nhích nhẹ, đồng thời giá bán USD trên thị trường “chợ đen” trở lại mức trên 23.400 VND/USD.
Sau một vài ngày có dấu hiệu hạ nhiệt, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng và thị trường tự do lại rục rịch tăng. Đến ngày 28/7, tỷ giá tăng 40 – 60 VND/USD.
Tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết ở mức 23.200 – 23.280 VND/USD, tăng 45 VND so với chốt phiên giao dịch chiều ngày 26/7.
Eximbank niêm yết ở mức 23.190 – 23.290 VND/USD (mua – bán). Trong khi đó, BIDV tăng 65 VND so với 2 ngày trước đó khi niêm yết tỷ giá ở mức 23.205 – 23.285 VND/USD. VietinBank tăng 35 VND, lên mức 23.183 – 23.285 VND/USD…
Trên thị trường tự do, giá bán USD cũng có dấu hiệu nhích lên trong 2 ngày cuối tuần thêm 60 – 80 VND, với USD bán ra giao dịch quanh mức 23.410 VND/USD.
Giá mua cũng tăng lên 23.390 VND/USD. Giá bán USD “chợ đen”” hiện cao hơn mức trần 23.328 VND/USD áp dụng cho các ngân hàng trong 2 ngày cuối tuần.
Tỷ giá trung tâm ngày 28/7 do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.649 VND/USD, không đổi so với 2 ngày trước đó. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng ngày 28/7 là 23.328 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.970 VND/USD.
Giá bán can thiệp tại Sở Giao dịch NHNN được điều chỉnh giảm 6 VND so với phiên giao dịch trước, xuống mức 23.278 VND/USD. Còn giá mua vẫn giữ nguyên ở mức 22.700 VND/USD.
Mặc dù tỷ giá vẫn có dấu hiệu nhích nhẹ gần đây, song theo các nhà phân tích tài chính cũng như chuyên gia kinh tế, tỷ giá tăng chủ yếu do tác động bởi tâm lý thị trường. Còn trên thực tế, cung – cầu ngoại tệ vẫn cân bằng.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đáp ứng toàn bộ nhu cầu đăng ký mua ngoại tệ của các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, cùng các biện pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác, giúp tỷ giá và thị trường ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Để đối phó, Trung Quốc đã và đang sử dụng chính sách tiền tệ để giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại…
Tỷ giá đồng nhân dân tệ đã sụt giảm mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm tỷ giá tham chiếu mạnh nhất trong 2 năm.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung được dự báo là không có “kẻ thắng” và tác động mạnh tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, Việt Nam không nhất thiết phải điều chỉnh tỷ giá VND.
Không nhất thiết điều chỉnh tỷ giá
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, thời gian vừa qua, tỷ giá đã được điều hành khá linh hoạt và sát cung – cầu thị trường, VND mất giá khoảng 1,5%.
Tuy nhiên, không thể vì việc Trung Quốc phá giá 4 – 5% mà chúng ta phá giá VND, kể cả ở mức 2 – 3%.
Tỷ giá nhân dân tệ đã sụt giảm mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm tỷ giá tham chiếu mạnh nhất trong 2 năm.
Theo đó, nhân dân tệ đã trượt xuống dưới ngưỡng 6,8 NDT/USD và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không phát tín hiệu nào về việc sẽ can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.
Nhân dân tệ giảm giá khiến hàng hóa Trung Quốc đã rẻ nay còn rẻ hơn, tạo nguy cơ hàng Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam. Đây là điều Việt Nam cần phải hết sức chú ý và xem xét cẩn trọng trong thời gian tới.
Theo ông Lực, nếu từ nay tới cuối năm, chiến tranh thương mại mạnh mẽ hơn, nhân dân tệ tiếp tục phá giá thì có lẽ, Việt Nam cũng phải phá đồng nội tệ so với USD ở mức khoảng 1,5% để bù trừ cho việc đồng nhân dân tệ phá giá với USD.
Nhưng việc phá giá VND cần được vận hành theo cung – cầu trên thị trường. Việc phá giá VND với USD hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nếu giữ tỷ giá mạnh so với nhân dân tệ của Trung Quốc thì hàng từ nước này càng ngày càng rẻ, sẽ ào ạt vào Việt Nam, từ đó, làm mất tính cạnh tranh của hàng nội địa.
Việc phá giá có lợi là hạn chế tính cạnh tranh ồ ạt của hàng Trung Quốc vào Việt Nam, đồng thời hỗ trợ xuất khẩu, vì nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu.
Nhân dân tệ mất giá thì Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng, vì năm nào cũng nhập siêu từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, không cần giảm giá VND quá mạnh, mà chỉ ở một chừng mực nào đó để ít ảnh hưởng đến lạm phát.
Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đưa ra nhận định, cần ưu tiên điều hành tỷ giá, hướng tới linh hoạt, thay vì một mục tiêu cứng nhắc.
Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2018 của CIEM, với độ mở thương mại cao (ở mức trên 185% GDP), hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tương đối phức tạp của những diễn biến leo thang căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc.
Tác động trực tiếp của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể khá hạn chế, nhưng tác động gián tiếp là khó lường do phản ứng quá nhanh và quá mức của nhà đầu tư trên thị trường tài chính có thể ảnh hưởng đến tỷ giá, dòng vốn ra, vào Việt Nam…
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc sẽ là một thử thách lớn đối với năng lực điều hành và cải cách kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Tuy nhiên, theo ông Cung, trong bối cảnh hiện nay, điều hành tỷ giá chỉ nên được coi là một phần trong kết hợp chính sách để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Ưu tiên điều hành tỷ giá là cần hướng tới linh hoạt, thay vì một mục tiêu cứng nhắc. Các ý kiến và kiến nghị về tăng tỷ giá VND/USD đều chỉ nhìn việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ như một sự kiện riêng biệt, trong khi ít nhiều còn thiếu thực tiễn về hoạt động thương mại cũng như thị trường ngoại hối.