Mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận dưới 10%
Theo kế hoạch kinh doanh 2018 đã được HĐQT thông qua, Domesco dự kiến đạt doanh thu thuần 1.468 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 225 tỷ đồng. Với mức tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận đều dưới 10% so với kết quả thực hiện năm 2017, kế hoạch kinh doanh của Domesco trong năm 2018 cho thấy công ty này vẫn tỏ ra khá thận trọng.
Nhìn vào tình hình kinh doanh của Domesco thời gian gần đây, có thể thấy, việc thúc đẩy doanh thu là nhiệm vụ khá thách thức. Năm 2017, doanh thu thuần của Domesco chỉ tăng 4,1% so với năm 2016. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2017 đạt 23,8%, chủ yếu do Công ty tăng được giá bán sản phẩm. Lợi nhuận gộp tăng 7,4% trong khi Công ty vẫn kiểm soát được các khoản chi phí ở mức tương đương so với năm 2016.
Tuy nhiên, dù kết quả lợi nhuận tăng khá mạnh, nhưng lợi nhuận tăng trong bối cảnh vốn chủ sở hữu đã tăng 7,8% và tổng tài sản của Domesco tăng 20,2% so với năm 2016. Do vậy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận so với tăng trưởng tổng tài sản cũng không thực sự vượt trội hơn nhiều.
Theo bà Lương Thị Hương Giang, Tổng giám đốc Domesco, năm 2018, vẫn còn những khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh, nhưng Domesco có ưu thế từ sự hỗ trợ tích cực của cổ đông chiến lược là Tập đoàn Dược phẩm Abbott (Hoa Kỳ) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Vì vậy, Domesco tin tưởng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Tương lai không dễ đoán định
Có thể thấy, việc Domesco đưa ra các chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2018 là có căn cứ so với thực lực hiện tại của Công ty. Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh trong tương lai không dễ đoán định, bởi có rất yếu tố trái chiều có thể tác động trực tiếp đến doanh nghiệp.
Ở góc độ thuận lợi, thị trường thuốc có thể có những tín hiệu tăng trưởng tốt do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng lên, cùng với chủ trưởng của ngành y tế trong việc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), mức tăng trưởng trung bình trong chi tiêu dành cho thuốc hàng năm đạt 14,6% trong giai đoạn 2010-2015 và duy trì ở mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025. Dự báo, chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam sẽ tăng lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025.
Áp lực cạnh tranh trên thị trường cũng ngày càng gay gắt, khi một số doanh nghiệp đang nuôi tham vọng rất lớn để vượt lên chiếm lĩnh thị trường. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dược Cửu Long (mã DCL, sàn HOSE) sau khi mua lại Công ty Dược phẩm Euvipharm và tập trung tái cơ cấu cho Euvipharm vào năm 2017, đang đặt mục tiêu tung quân phủ sóng thị trường từ năm 2018. Trong khi đó, các đại gia như Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã DHG, sàn HOSE), Công ty cổ phần Traphaco (mã TRA, sàn HOSE)… đều muốn tiếp tục gia tăng “phần bánh” của mình trên thị trường.
Thị trường bán lẻ dược phẩm từ năm 2018 cũng sẽ nổi sóng với sự tham gia của nhiều công ty phân phối lớn. Các đại gia ngành phân phối như Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, Công ty Bán lẻ FPT, Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) đều đang thực hiện các dự án đầu tư chuỗi nhà thuốc. Điều này sẽ tạo ra thế lực mới cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp dược lớn vốn tự tổ chức hệ thống phân phối riêng.