Tại Diễn đàn Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam 2018, nhiều thông tin cho thấy Chính phủ sẽ hết sức hạn chế, có thể nói là không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Lý do của việc này là để tập trung, hướng các nhà đầu tư nước ngoài mua các ngân hàng yếu kém trong nước.
Đóng góp của các ngân hàng ngoại
Sau 10 năm kể từ khi Ngân hàng HSBC Việt Nam và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam được cấp phép hoạt động, Việt Nam hiện có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Vốn điều lệ của các ngân hàng 100% nước ngoài tính đến tháng 5.2018 đạt trên 33.000 tỉ đồng, chiếm 5,94% tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống. Mặc dù vốn điều lệ không cao nhưng khả năng sinh lời và kết quả quản lý rủi ro của nhóm ngân hàng này rất tốt.
Năm 2017, tỉ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài đạt 1,02%, cao hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại nhà nước (0,59%) và ngân hàng thương mại cổ phần (0,74%). Trong khi đó, tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng liên doanh, nước ngoài là 6,65%, thấp hơn so với ngân hàng thương mại nhà nước (12,42%) và ngân hàng thương mại cổ phần (10,4%), đơn giản vì các ngân hàng ngoại huy động vốn ít hơn.
So với nhiều ngân hàng trong nước top đầu, lợi nhuận của các ngân hàng ngoại khá khiêm tốn (lợi nhuận trước thuế năm 2017 của HSBC Việt Nam là 2.232 tỉ đồng, ANZ Việt Nam là 1.335 tỉ đồng, Shinhan Bank Việt Nam là 1.617 tỉ đồng). Tuy nhiên, đây là mức lợi nhuận mơ ước của những ngân hàng Việt có cùng quy mô tổng tài sản trên dưới 100.000 tỉ đồng.
Về vấn đề quản lý rủi ro, trong khi các ngân hàng nội đang phải đau đầu với chuyện đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn tổi thiểu (CAR) theo Hiệp ước Basel II thì các ngân hàng ngoại lại khá thảnh thơi. CAR của nhóm ngân hàng ngoại ở mức 27,36% (tháng 5-2018), cao gấp ba lần so với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (9,39%) và 2,5 lần so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (11,39%). Các ngân hàng này cũng ít chịu rủi ro kỳ hạn do không sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.
Các ngân hàng ngoại đang rất mạnh trong mảng thẻ tín dụng, thanh toán quốc tế, cho vay khách hàng doanh nghiệp và dịch vụ khách hàng ưu tiên. Với nguồn vốn đầu vào rẻ, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm lâu đời, các ngân hàng ngoại đang cung cấp lãi suất cho vay doanh nghiệp rất thấp và các dịch vụ tài chính, phi tài chính hấp dẫn. Điều này không chỉ tốt cho người tiêu dùng mà còn là động lực khiến các ngân hàng trong nước phải tích cực thay đổi để đảm bảo khả năng cạnh tranh.
Ngân hàng yếu kém có thực sự hấp dẫn?
Theo báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội hồi tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện phương án xử lý ba ngân hàng thương mại mua bắt buộc 0 đồng và DongA Bank, đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Các ngân hàng này đều gặp những vấn đề lớn về chất lượng tài sản và quản trị tài chính chưa thể xử lý triệt để trong nhiều năm qua. Những khoản lỗ lũy kế gấp nhiều lần vốn điều lệ ngày càng phình to do nguồn thu hạn hẹp trong khi chi phí hoạt động, chi phí trả lãi tiền gửi khách hàng và tiền vay liên ngân hàng vẫn phát sinh hằng ngày.
Chiếc phao cho các ngân hàng yếu kém là những cơ chế hỗ trợ đặc biệt được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được Quốc hội thông qua cuối năm 2017. Theo đó, ngân hàng yếu kém thực hiện phương án phục hồi hoặc ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc sẽ được Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0%.
Đồng thời, các ngân hàng này được nhận tiền gửi hoặc vay từ tổ chức tín dụng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi. Với lãi suất đầu vào là 0% và đầu ra được chuẩn bị sẵn, các ngân hàng yếu kém được kỳ vọng sẽ tạo ra lợi nhuận để xóa lỗ lũy kế và đi đến có lãi trong thời gian ngắn. Ngoài ra, các ngân hàng yếu kém còn được giãn thời gian hạch toán các khoản lỗ do mua bán nợ, khoản phải thu, khoản đầu tư góp vốn, mua cổ phần trong 10 năm và được bán nợ xấu không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm có vấn đề cho VAMC hoặc DATC.
Thành lập mới một ngân hàng 100% vốn nước ngoài và mua lại 100% vốn của một ngân hàng yếu kém là hai lựa chọn kinh doanh để nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc, nhưng về pháp lý là hai vấn đề độc lập. Ngân hàng Nhà nước không thể lấy lý do muốn bán ngân hàng yếu kém mà từ chối đề nghị thành lập một ngân hàng mới nếu tất cả các điều kiện thành lập đều được đáp ứng. Đó sẽ là một quyết định phá vỡ luật chơi do chính Ngân hàng Nhà nước đặt ra, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và giảm tính cạnh tranh của thị trường.
Như đã phân tích ở trên, ngân hàng yếu kém mang trong mình nhiều tồn tại khó xử lý và chỉ thực sự hấp dẫn nếu mức hỗ trợ đủ lớn. Quyết định không cấp thêm giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài để hướng các nhà đầu tư nước ngoài mua ngân hàng yếu kém về lý thuyết thì rất tốt nhưng hiệu quả thực tế còn phải chờ thời gian trả lời. Cuối năm 2017, nhiều nguồn tin cho biết Oceanbank đang trong quá trình đàm phán để bán cho một nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực châu Á, đến nay vẫn chưa có thông tin mới về thương vụ này. Ba ngân hàng yếu kém còn lại hầu như chưa có thông tin về nhà đầu tư nước ngoài.
Thành lập mới một ngân hàng 100% vốn nước ngoài và mua lại 100% vốn của một ngân hàng yếu kém là hai lựa chọn kinh doanh để nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc, nhưng về pháp lý là hai vấn đề độc lập. Ngân hàng Nhà nước không thể lấy lý do muốn bán ngân hàng yếu kém mà từ chối đề nghị thành lập một ngân hàng mới nếu tất cả các điều kiện thành lập đều được đáp ứng.