Ts Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng vấn đề lãi suất và tỷ giá là biến số khó lường nhất trong điều hành chính sách tài chính tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.
Giảm lãi suất là mục tiêu, mong muốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp (DN) nhưng trong bối cảnh hiện nay, làm sao có thể đạt mục tiêu này mà vẫn kiểm soát lạm phát dưới 4% là điều không hề dễ dàng.
Rào cản giảm lãi suất
Ts. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định: “Nếu giữ được mức lãi suất như hồi đầu năm đã là tương đối tốt. Hy vọng giảm lãi suất huy động là điều khó xảy ra. Vì vậy, cộng đồng DN nên cơ cấu lại tài chính để giảm tỷ lệ vay, bởi cầu tín dụng tăng mà muốn giảm lãi suất là rất khó”.
Thực tế, giảm lãi suất cho vay phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: thanh khoản, nợ xấu, quản trị rủi ro của các ngân hàng.
Theo các chuyên gia, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào, tuy nhiên từ tháng 7 đến nay, một vài ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động.
Động thái này của các ngân hàng cũng được xem là để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 06. Theo đó từ ngày 1/1/2019, các ngân hàng chỉ được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nên cần phải chuẩn bị trước nguồn vốn trung và dài hạn nhiều hơn.
Mặt khác, đây cũng là bước chủ động của các ngân hàng cho nhu cầu vốn được dự báo sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động lại tác động lớn đến mục tiêu giảm lãi suất cho vay. Bởi lẽ, ngân hàng cũng là DN, trong kinh doanh cũng phải tính toán đến đầu ra – đầu vào lãi suất với tỷ lệ tương đối để có chi phí trang trải, cân đối cho các khoản nợ xấu trước đây.
Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho biết: “Nếu muốn giảm lãi cho vay thì phải hạ lãi suất huy động. Nhưng kể cả khi thanh khoản dồi dào, việc giảm lãi suất huy động cũng không dễ dàng do lo ngại dòng tiền sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản”.
Tại thời điểm này, lãi suất huy động giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ có sự chênh lệch 1-2%/năm.
Chẳng hạn, ở ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng là 6,4%/năm, 24- 36 tháng là 6,5%/năm. Trong khi đó, ở các ngân hàng thương mại nhỏ, mức lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng dao động từ 7,0%/năm – 8,5%/năm như: MBBank là 7,5%/năm; VPBank là 7,2%. VietABank áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng trở lên là 8,5%/ năm; Eximbank áp dụng 36 tháng là 8%/năm.
Một yếu tố nữa cũng tác động đến việc có giảm lãi suất cho vay ở các ngân hàng hay không, đó là quản trị rủi ro.
Rủi ro còn lớn
Các chuyên gia cho rằng muốn giảm lãi suất thì rủi ro phải giảm, nhưng hiện nay, rủi ro cho nền kinh tế có lẽ chưa giảm, vì rất nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (DNNVV), vẫn chưa cải thiện đáng kể về năng lực tài chính và không có tài sản thế chấp nhiều.
Ông Hiếu phân tích, ngân hàng đương nhiên muốn giảm lãi suất cho DN, vì khách hàng hoạt động mạnh cũng là tốt cho ngân hàng, tạo điều kiện cho khả năng sinh lời của chính ngân hàng.
Nhưng ngân hàng cũng phải xem xét bài toán rủi ro. Rủi ro cho vay đối với DNNVV hiện vẫn lớn, vì các DN này là đối tượng dễ bị tổn thương từ môi trường kinh doanh, năng lực tài chính kém, không có tài sản bảo đảm, nguồn trả nợ rất yếu.
Theo ông Hiếu, ngân hàng phải cân bằng giữa rủi ro của mình và việc cho DNNVV vay, bởi nợ xấu vẫn là dấu vết đau đớn cho các ngân hàng. Ngân hàng đứng giữa hai đối trọng, một mặt hỗ trợ DN, một mặt quản lý rủi ro.
Thực tế, hiện nay, các ngân hàng vẫn đang nỗ lực giải quyết những khoản nợ xấu để lại từ trước đây, nhưng ở một số ngân hàng nợ xấu vẫn trên mức 3%.
Tại tọa đàm tìm lời giải về vốn cho các DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV – Ts. Cấn Văn Lực – cho rằng bài toán hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho DNNVV cần lời giải từ nhiều bên: Chính phủ – ngân hàng – khách hàng (DN).
Hầu hết các ngân hàng đều khẳng định bản thân các DN phải cải tiến được tình hình tài chính, chứng minh được nguồn trả nợ. Trong khi đó, Chính phủ phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có thể chế phù hợp đối với khu vực DNNVV.
Ngoài ra, phía ngân hàng cũng cần rộng tay hơn nữa, đối xử công bằng với các khách hàng “nhỏ” này.
Ngoài những yếu tố nội tại của ngành ngân hàng, yếu tố bên ngoài cũng đang tác động đến quyết định điều chỉnh mặt bằng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Đó là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, áp lực lạm phát năm nay vẫn còn khá lớn…