Trong quá trình mở cửa, hội nhập này, cái được rất nhiều song cái giật mình nhìn lại cũng không ít. Việc chỉ ra tất cả những điều đó không có hàm ý để quay đầu hay dừng lại (thật ra cũng không thể) mà để điều chỉnh cách đi tới.
Dù còn nhiều vấn đề nội tại, tăng trưởng xuất khẩu nhờ mở rộng thị trường vẫn là điểm sáng trong bức tranh nền kinh tế giai đoạn hội nhập. Các giải pháp đang được tính toán, thực hiện sao cho trong chiếc bánh lớn này, phần thực chất thuộc về khu vực kinh tế trong nước nhiều hơn, bắt đầu từ cấp độ sản phẩm, doanh nghiệp. Từ chỗ chập chững bước ra thị trường thế giới, chỉ bán những thứ mình có, tuy chậm nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có những chuyển mình để bán thứ người ta cần và bắt đầu biết cách vượt qua những rào cản hàng rào kỹ thuật hay đáp ứng các tiêu chuẩn cao của nước nhập khẩu, bạn hàng. Cùng với nhận thức lại xuất khẩu “tinh quý hơn đa”, bài học mà các doanh nghiệp rút ra được từ thiệt hại của chính mình do bị đánh thuế chống bán phá giá hay tự vệ thương mại cũng… quý. Rồi đây, bài học này sẽ giúp doanh nghiệp xoay xở khôn khéo hơn trong vấn đề chứng minh xuất xứ hàng hóa, nguồn gốc nguyên phụ liệu để lách qua khe cửa bảo hộ mậu dịch của các thị trường xuất khẩu lớn nhắm vào đối thủ… Trung Quốc.
Nhưng hội nhập không chỉ là cuộc đua xuất khẩu, cạnh tranh còn diễn ra giữa các nhà nước trong việc“hoạch định chính sách quản lý và chiến lược phát triển” nhằm “thu hút đầu tư từ bên ngoài”. Ở cấp độ này, có thể thấy, các cơ quan quản lý của ta đang chuyển mình rất chậm.
Nhớ lại hơn 20 năm trước, vào năm 1997, Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu. Đó là kết quả của quá trình gian nan thay đổi nhận thức, rằng “năng lực quản lý phải theo kịp với yêu cầu phát triển”, thay cho tư duy quản lý cũ “quản lý được đến đâu, mở ra đến đó”. Đó là lựa chọn chủ động, kịp thời của Việt Nam, một lựa chọn đã được thực tế kiểm định là hoàn toàn sáng suốt.
Không giống như hiện nay, khi chúng ta đã gia nhập WTO, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), chúng ta không được toàn quyền “nói không” với các với phương thức cung ứng dịch vụ xuyên biên giới nữa.
Đơn cử trong trường hợp của Uber và Grab, tư duy các cơ quan quản lý nhà nước chưa theo kịp thực tế. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn đang loay hoay một cách chậm trễ với việc soạn thảo khuôn khổ pháp lý để quản lý loại hình kinh doanh này. Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng hoạt động của Uber, Grab bản chất là loại hình taxi ứng dụng công nghệ cao, vì vậy phải sửa đổi Nghị định 86 hiện hành để quản lý Uber, Grab như một doanh nghiệp taxi, trong khi trước đó, dự thảo nghị định sửa đổi nghị định này do chính Bộ GTVT chuẩn bị xếp Uber, Grab là đơn vị cung ứng sản phẩm công nghệ.
Đành rằng chuyện gì chưa ngã ngũ thì phải mổ xẻ cho thấu đáo để đi đến ngã ngũ. Nhưng quá trình này tuyệt đối không thể chậm trễ và phải được tiến hành trên cơ sở tư duy quản lý mới. Khi Bộ trưởng Bộ GTVT lập luận rằng Uber, Grab đích thị là kinh doanh vận tải taxi vì không phải như vậy thì sao bộ này lại đang soạn thảo nghị định quản lý nó chứ không phải là, hoặc không chuyển cho, Bộ Công Thương (có chức năng quản lý công ty loại hình công nghệ?) thì đó là tư duy “gọt chân cho vừa giày”. Trong xu thế quản lý đa ngành, đa lĩnh vực như hiện nay, nhất là trước các vấn đề mới, vì sao các bộ không ngồi lại với nhau để xem xét. Mà suy cho cùng, nghị định về quản lý loại hình kinh doanh này cũng phải được ban hành dưới danh nghĩa Chính phủ chứ không phải một bộ nào. Cần phải thay đổi cách thức làm luật, làm nghị định theo kiểu phân vai như hiện nay để tránh vấn đề lợi ích cục bộ của bộ, ngành và tình trạng… thầy bói xem voi.
Quan trọng nữa là, trong quá trình dùng dằng, trù trừ ra quyết định của cơ quan quản lý nhà nước, không nên có tư duy không thân thiện với hội nhập theo kiểu nếu các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ các yêu cầu của cơ quan quản lý thì hãy rời khỏi Việt Nam. Bởi lẽ, các thành viên của WTO, FTA có nghĩa vụ luật hóa các cam kết mở cửa trong từng quốc gia, thì việc Uber, Grab đang phải hoạt động trong trạng thái “thí điểm” như hiện nay hoàn toàn không phải do họ muốn.
Không có đường lùi cho các cơ quan quản lý!