Các giải pháp giữ lạm phát ở mức mục tiêu của năm nay cần tập trung hơn vào xử lý hài hòa các yếu tố chi phí đẩy. Ông Nguyễn Anh Dương (Trưởng ban, Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.
Bên cạnh giữ mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ cũng khẳng định không điều chỉnh mục tiêu lạm phát của năm nay dù có những áp lực, quan điểm của ông thế nào?
Diễn biến tăng giá trong 2 tháng vừa qua (tháng 5 và tháng 6) rất đáng lưu ý, song vẫn còn tương đối thấp so với những giai đoạn lạm phát cao trước đây. 6 tháng đầu năm, lạm phát bình quân mới tăng 3,29%, tức là vẫn còn một khoảng dư địa tương đối ổn so với mục tiêu 4% cho cả năm.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần theo dõi thận trọng trong những tháng tới để xem áp lực lạm phát đã thực sự đủ mạnh, trở thành xu thế hay chỉ là biến động nhất thời. Nếu chỉ là biến động nhất thời thì lạm phát bình quân của cả năm sẽ không phải là áp lực lớn. Nhưng nếu áp lực ấy duy trì trong các tháng tới thì sẽ cần cách tiếp cận điều hành quyết liệt hơn. Khả năng này là không nhỏ trong bối cảnh giá của nhiều mặt hàng trên thế giới đang đà tăng, cộng với căng thẳng thương mại bên ngoài hay những vấn đề nội tại ở những ngành hàng do Nhà nước quản lý giá. Rõ ràng, để hạn chế được tác động của những xu hướng tăng giá này đối với mặt bằng giá ở Việt Nam thì góc nhìn phải rộng hơn, gắn với nhiều kịch bản hơn.
Theo tôi, định hướng giữ lạm phát bình quân ở mức 4% năm nay vẫn khả thi nhưng rõ ràng mức độ “thong dong” không còn được như đầu năm nữa. Các lựa chọn hiện nay cũng ít hơn.
Bài toán ở đây không chỉ đơn thuần là xử lý áp lực tăng giá, mà còn làm thế nào để cân đối được các mục tiêu hài hòa khác, ví dụ như cải cách các ngành hàng và dịch vụ mà Nhà nước đang quản lý giá…
Có ý kiến cho rằng, để kiểm soát lạm phát thì một trong những yếu tố quan trọng là không được tăng giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý vào cùng một thời điểm?
Cá nhân tôi lại nghĩ khác. Có không ít ngành sẽ chịu ảnh hưởng bởi quyết định tăng giá như thế và việc đưa ra một lộ trình để hài hòa được lợi ích của các ngành là vô cùng khó khăn, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng giải trình của Chính phủ về việc cho ngành nào được tăng giá, ngành nào không, tại thời điểm nào…
Đáng lưu ý, diễn biến lạm phát gần đây không xuất phát từ yếu tố tiền tệ. Cho nên, xử lý vấn đề lạm phát cần tập trung hơn vào xử lý hài hòa các yếu tố có thể ảnh hưởng đến mặt bằng chi phí của DN, bởi vì đó là những yếu tố chi phí đẩy có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, cũng như sức chống chịu của DN trong bối cảnh rủi ro từ kinh tế thế giới còn đang hiện hữu.
Vì thế, Chính phủ nên khẳng định mạnh mẽ hơn về quyết định không tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý trong giai đoạn cuối năm. Và phải xử lý góc độ quản lý giá của các ngành, từ góc độ năng suất và chất lượng cung ứng dịch vụ của các ngành đó. Đấy mới là vấn đề gốc chứ không phải chỉ đơn thuần là chọn thời điểm cho ngành này được tăng, ngành kia không được tăng.
Nếu vẫn để ngỏ khả năng cho tăng giá các mặt hàng này vào những tháng cuối năm thì kỳ vọng lạm phát vẫn không giảm. Bên cạnh đó, để chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng DN – vốn đang cần nâng cao khả năng chống chọi với những rủi ro từ kinh tế bên ngoài – thì tại thời điểm này, kiến nghị về việc tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2019 có lẽ cũng không nên được xem xét, mà nên để dành vào một thời điểm phù hợp hơn.
Nhưng một điểm quan trọng hơn là tăng giá phải dựa trên nền tảng cải thiện chất lượng và năng suất cung ứng dịch vụ. Vì vậy nếu chúng ta có bàn và đi đến quyết định cho ngành này tăng giá, ngành kia tăng giá mà không tác động đến động lực thực sự về cải thiện chất lượng và năng suất của các ngành này thì rõ ràng quyết định tăng giá ấy là không phù hợp, trong khi nó sẽ được truyền tải nhanh chóng vào mặt bằng lạm phát nói chung, và kỳ vọng lạm phát nói riêng. Điều này sẽ khó xử lý hơn nhiều.
Nếu không thể đạt được những chuyển biến về năng suất và chất lượng ở những ngành mà chúng ta đang quản lý giá thì quyết định tăng giá – dù ở bất cứ mức độ nào – là không phù hợp. Khi năng suất, chất lượng dịch vụ, hàng hóa được cải thiện thì mặt bằng chi phí giảm xuống, quyết định tăng giá sẽ phù hợp hơn.
Ông thấy phối hợp giữa CSTK và CSTT thời gian qua thế nào và có những điểm gì có thể làm tốt hơn để vừa tiếp tục ổn định KTVM, kiểm soát lạm phát trong khi vẫn hỗ trợ được tăng trưởng kinh tế?
Rõ ràng trong 6 tháng đầu năm, chúng ta thấy điều hành, phối hợp giữa CSTT và CSTK đã nhịp nhàng hơn cả trong điều hành tiền tệ cũng như trong cân đối các mục tiêu chung, ưu tiên ổn định lạm phát, đặc biệt là lạm phát cơ bản.
CSTK cũng có những động thái phù hợp hơn đối với CSTT. Chẳng hạn, phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã khá linh hoạt. Do giải ngân đầu tư công chậm, nên trong 6 tháng đầu năm chỉ phát hành 37,3% kế hoạch phát hành TPCP (đã phát hành 74 nghìn tỷ đồng trong số 200 nghìn tỷ của cả năm).
Chính vì thế, trong bối cảnh có nhiều thách thức, rủi ro hơn trong thời gian vừa qua nhưng hiện tượng “chèn lấn” từ CSTK đối với CSTT không nhiều như trước. Điều này cũng giúp NHNN linh hoạt hơn, nhất là trong việc điều hành về tỷ giá, cung tiền, tín dụng… và tất nhiên gắn với ưu tiên chung là để ổn định KTVM. Nhờ đó đã tạo môi trường tương đối ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh và áp lực lạm phát từ góc độ tiền tệ chưa nhiều.
Tôi cho rằng trong thời gian tới, đây cũng là bài học để chúng ta tiếp tục duy trì cách thức này, gắn với câu chuyện tái cơ cấu NSNN một cách mạnh mẽ hơn. Cụ thể ở đây là giảm áp lực chi thường xuyên, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của nhà nước. Như nguồn lực từ TPCP cần giải ngân nhanh và hiệu quả hơn nhưng không phải là bằng mọi cách . Đây chính là những yếu tố bảo đảm cho hiệu quả của CSTK mà sẽ không gây ra những áp lực không cần thiết cho điều hành CSTT.
Bên cạnh đó, kiểm soát lạm phát và xử lý các rủi ro hiện nay đòi hỏi CSTK và CSTT cần tiếp tục phối hợp trao đổi để nhận thức mức độ xử lý rủi ro từ tổng cầu do tác động từ bên ngoài và xử lý áp lực lạm phát trong bối cảnh hiện nay như thế nào, công cụ nào nên được sử dụng… để có thể xử lý các vấn đề phù hợp. Ngoài ra, câu chuyện cũng không chỉ là phối hợp giữa hai chính sách này mà còn là phối hợp hiệu quả và thường xuyên hơn với các chính sách khác như chính sách đầu tư, chính sách thương mại vì ngoài những vấn đề điều hành vĩ mô ấy thì còn những vấn đề kinh tế thực liên quan đến xuất nhập khẩu, hiệu quả đầu tư… cũng có thể ảnh hưởng đến tình hình KTVM nói chung.
Xin cảm ơn ông!