Ông có thể phân tích rõ thêm?
Thị trường BĐS năm 2018 có lẽ vẫn có sự ổn định, tuy nhiên trong một vài phân khúc nên cẩn trọng. Đơn cử như việc nhà đầu tư đổ tiền vào các khu nhà ở cao cấp, biệt thự, đặc biệt là BĐS nghỉ dưỡng năm vừa qua tương đối nở rộ. Năm 2018 nếu tiếp tục xu hướng này, trong khi ngành du lịch không mang lại lượng du khách tương ứng thì nhiều khả năng sẽ rơi vào tình trạng dư cung.
Còn với thị trường vàng, tôi cho rằng sẽ có những biến động nhiều hơn so với năm ngoái. Thị trường vàng năm nay sẽ tiếp tục bị tác động bởi thị trường vàng thế giới, phụ thuộc vào những biến động về kinh tế, chính trị toàn cầu. Các nhà đầu tư có cơ hội kiếm lời nếu giá vàng tăng. Tuy nhiên đi cùng với đó phải cẩn trọng, quan sát biến chuyển trên thị trường vàng thế giới và trong nước. Nếu có đầu tư cũng không nên dùng quá 1/3 tài sản của mình vào vàng.
Còn chứng khoán, ngoại tệ thì sao, thưa ông?
Về chứng khoán, năm vừa qua chỉ số VN-Index tăng tới 47%. Nhưng khi thị trường tăng quá nhanh sẽ có khả năng lao dốc nhanh. Cũng như vàng, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động nhiều bởi thị trường chứng khoán thế giới. Trong thời gian vừa qua, Dow Jones – Index của thị trường chứng khoán New York lên xuống bất thường và đang trong xu hướng biến động mạnh, nhất là khi sắp tới hứa hẹn có những chính sách mới về kinh tế, mậu dịch của Chính phủ Tổng thống Donald Trump.
Những thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương nếu gặp biến động khi nhiều nhà đầu tư sẽ rút tiền ra khỏi những thị trường này rất nhanh. Điều này đã từng xảy ra trong quá khứ. Năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm mạnh cũng phần lớn do khối ngoại đầu tư vào. Đây cũng là rủi ro khi chúng ta lệ thuộc nhiều vào khối này, trường hợp có biến động, nhà đầu tư này bán tháo chắc chắn sẽ tạo ra lỗ hổng. Tuy nhiên cơ hội vẫn có khi đầu tư vào những mã cổ phiếu có uy tín, thực lực, nhưng dù với kênh nào cũng không nên bỏ hết trứng vào một giỏ.
Fed khả năng cao sẽ tăng lãi suất không chỉ một lần, đẩy giá trị của USD lên. Bên cạnh đó, những biến động của kinh tế thế giới qua giá dầu, giá vàng, chính trị… cũng sẽ trở thành tác động kép lên USD, từ đó gây áp lực lên tỷ giá VND/USD. Quan điểm của tôi đầu tư ngoại tệ là không nên. Những người chơi ngoại hối phải so với lãi suất thực dương VND có được. Hiện tại, lãi suất VND cho kỳ hạn 12 tháng rơi vào khoảng 7%, nếu lạm phát khoảng 4% thì lãi suất thực dương ở mức 3%. Đầu tư ngoại tệ mà chỉ được ở mức này thì không ăn thua, vì còn chưa tính đến rủi ro biến động tỷ giá.
Nói như vậy, tiền gửi NH liệu có còn là kênh hấp dẫn?
Tiền gửi NH vẫn là kênh an toàn nhất, tuy lợi nhuận không quá cao. Về độ an toàn, tính thanh khoản của tiền gửi là tốt nhất trong tất cả các kênh đầu tư. Như đã nói ở trên, chúng ta gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất khoảng 7%/năm, nếu đầu tư BĐS thì phải có tỷ lệ lợi nhuận tối thiểu gấp đôi mức đó mới đáng kể, chơi vàng cũng phải biến động cỡ ít nhất 10%. Với chứng khoán, từ giá cổ phiếu tăng hay từ cổ tức cũng phải đem về lợi nhuận khoảng 10-15% mới tương xứng rủi ro bỏ ra.
Số liệu mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng ngay từ tháng 1/2018. Trong đó, vốn huy động tăng 0,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tháng 1/2016 và 2017 đều giảm lần lượt là 0,8% và 1,3%). Huy động bằng VND tăng 0,6%, chiếm 90,3% tổng vốn huy động; huy động bằng ngoại tệ giảm 0,3%. Hiện tại, lãi suất huy động ở nhiều NH tăng nhẹ, tỷ giá vẫn được duy trì ổn định, người dân gần như cũng không găm giữ vàng và ngoại tệ quá nhiều, nên một lượng lớn tiền nhàn rỗi đang đổ về kênh tiết kiệm NH.
Xin cảm ơn ông!