Nhiều chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ngành ngân hàng sẽ bùng nổ ở một số lĩnh vực như: tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, công nghệ ngân hàng…
Chưa có thương vụ lớn
Nhận định về thị trường M&A ở lĩnh vực ngân hàng, các chuyên gia đánh giá, hiện nay, các ngân hàng không mặn mà với các thương vụ M&A. Những thương vụ này chỉ còn diễn ra với các ngân hàng yếu kém, trong quá trình tái cơ cấu.
Khi quá trình tái cơ cấu đã bước vào giai đoạn 2, số lượng nhà băng yếu kém đã giảm mạnh, “sức khỏe” của các ngân hàng đã tốt lên rất nhiều, những ứng viên để M&A cũng theo đó sẽ giảm bớt đi, khiến hoạt động M&A phần nào bớt sôi động hơn giai đoạn trước.
Thực tế, từ đầu năm đến nay chưa có bất cứ hoạt động M&A nào diễn ra, dù đã có một vài ngân hàng công bố sẽ tiến hành thương vụ trong năm 2018.
Chẳng hạn, tại Đại hội cổ đông hồi tháng 4 vừa qua, một số ngân hàng đã đưa ra mục tiêu M&A trong năm nay như: HDBank dự kiến sáp nhập với PGBank; MB, LienVietPostBank, VPBank… cũng có kế hoạch trình cổ đông. Song, cho tới thời điểm này, mọi việc vẫn khá yên ắng.
Luật sư Bùi Ngọc Anh – nhà tư vấn M&A, đánh giá hầu hết các thương vụ M&A ngân hàng thời gian qua chủ yếu xuất hiện ở lĩnh vực bán lẻ. Chẳng hạn như mảng tài chính ngân hàng có thương vụ Ngân hàng Sinhan Việt Nam mua mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ, hay VIB mua lại mảng bán lẻ của Commonwealth Bank of Australia (CBA)…, mà chưa có những thương vụ lớn.
“Trong tương lai, những thương vụ lớn chỉ mong đợi vào 4 ngân hàng nhà nước, đó là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank”, ông Anh nói.
Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian tới, những thương vụ M&A giữa các ngân hàng với nhau sẽ ít xảy ra hơn so với những thương vụ M&A ở một số lĩnh vực như mảng bán lẻ, các công ty công nghệ tài chính (fintech), công ty tài chính…
Riêng đối với các ngân hàng còn dư địa room vốn ngoại lớn sẽ có các thương vụ mua bán cổ phần.
Chẳng hạn, BIDV hiện là ngân hàng TMCP nhà nước duy nhất vẫn còn nguyên room vốn ngoại và tỷ lệ sở hữu nhà nước vẫn chiếm trên 95%. BIDV đang lên kế hoạch bán cổ phần nhằm nhanh chóng tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn của Hiệp ước Basel II.
Theo các chuyên gia, lĩnh vực tài chính-ngân hàng ở Việt Nam hiện nay có nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm, nhưng trên thực tế, họ có sự khó khăn khi đầu tư vào thị trường này.
Sức hút của các công ty fintech
Ông Choi, một chuyên gia trong lĩnh vực M&A của Hàn Quốc, cho biết thời gian qua nhận được hai đề nghị của các công ty Hàn Quốc được tham gia đầu tư vào thị trường tài chính tại Việt Nam.
Vấn đề là hầu hết các công ty tài chính đều có giấy phép hoạt động, nhưng trên thực tế lại không hoạt động theo hình thức tài chính. Chẳng hạn, công ty Lotte Card Co.,Ltd (Hàn Quốc) sau khi mua công ty tài chính Techcom Finance của Techcombank phải xem xét và sắp xếp lại toàn bộ hệ thống hoạt động.
Tuy nhiên, ông Choi khẳng định dù có nhiều khó khăn như vậy, nhưng các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn tìm các cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
“Trên thực tế, nhiều công ty Hàn Quốc nhìn thấy nhiều cơ hội và háo hức tham gia vào thị trường tài chính tại Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm tới các công ty fintech, bởi các công ty này có sự liên kết với công ty tài chính”, ông Choi cho hay.
CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) đánh giá, hiện nay, với chính sách áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia các thương vụ M&A công ty tài chính, tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do hạn chế về vốn, khả năng tham gia.
“Hiện nay, các tổ chức tài chính không còn nhiều. Xu hướng giai đoạn 10 năm tiếp theo, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các công ty fintech nhiều hơn các công ty tài chính”, đại diện SHS nhận định.
Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, hoạt động M&A vẫn chưa có nhiều khởi sắc, phải sang năm 2019 mới nhộn nhịp do các ngân hàng phải chạy đua với quy định về tỷ lệ an toàn vốn đáp ứng theo chuẩn Basel II. Như vậy, nếu trường hợp những ngân hàng nhỏ không có khả năng đáp ứng được yêu cầu rất có thể sẽ phải tính tới phương án sáp nhập.