Ngày 7/9, Pure Heart Value Investment Fund đã mua xong 442.500 cổ phiếu OPC của CTCP Dược phẩm OPC và chính thức trở thành cổ đông lớn của OPC. Trước khi chính thức sở hữu 5,4% cổ phần ở OPC, tổ chức này đã nhiều lần đến Công ty tìm hiểu hoạt động cũng như từng mua OPC nhưng với số lượng nhỏ.
Lần này, theo thông tin từ OPC, Pure Heart Value Investment Fund muốn đầu tư vào OPC với khối lượng lớn vì đánh giá cao hoạt động kinh doanh ổn định của OPC cũng như tin ở triển vọng ngành. Tuy nhiên, cho đến lúc này, mọi hoạt động của Pure Heart Value Investment Fund mới dừng ở gom mua cổ phần chứ chưa có động thái gì khác. Ngay việc mua cổ phiếu cũng được thực hiện qua sàn. Vì thế, đại diện OPC cho biết, phía Công ty gần như không biết nhiều về tổ chức này cũng như không rõ ý đồ của họ, như Pure Heart Value Investment Fund có tính gia tăng thêm tỷ lệ sở hữu OPC hay không?
Khác với OPC, ông Huỳnh Trung Chánh, Tổng giám đốc của CTCP XNK y tế Domexco (DMC) biết rất rõ về Công ty CFR International SPA, đơn vị định mua hơn 25% cổ phần ở DMC. Theo ông Chánh, đây là tập đoàn ở Chi Lê, hoạt động trong cùng ngành nghề. Trước mắt, như nội dung đã được ĐHCĐ bất thường thông qua, 5 tổ chức đầu tư tại DMC gồm Quỹ đầu tư Bản Việt, KITMC Vietnam Growth Fund 2, KITMC Vietnam Growth Fund 2, Dragon Capital Vietnam Mother Fund và Amersham Industries limited đã đồng ý chuyển nhượng 6,45 triệu cổ phiếu, tương đương 36% vốn tại DMC cho CFR International SPA.
Ở CTCP Dược phẩm Cửu Long (DCL), theo nguồn tin mà ĐTCK biết, tuy chưa có gì chính thức nhưng nhiều khả năng, đối tác ngoại tham gia vào DCL thời gian tới sẽ là những DN cùng ngành, đến từ Nhật Bản. Và một khi tham gia, họ sẽ là những nhà đầu tư chiến lược tại DCL để có thể tham gia trực tiếp vào DN.
Vì sao là công ty dược?
Ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc Tư vấn tài chính DN CTCK Bản Việt (VCSC) nhận định, hoạt động gia tăng sở hữu của một số tổ chức ngoại ở các công ty dược thời gian gần đây không khó hiểu. Vì ngành dược cũng như ngành tiêu dùng, thực phẩm luôn là ngành được khối ngoại quan tâm do tính ổn định và tiềm năng thị trường của ngành. Ngoài ra, quy mô vốn không quá lớn nhưng cũng không quá nhỏ của các DN dược rất phù hợp với các chiến lược đầu tư của các tổ chức ngoại. Họ không cần phải chi quá nhiều tiền nếu muốn thành cổ đông lớn hay cổ đông chiến lược ở các công ty này.
Nhưng tại sao các tổ chức lại chọn thời điểm này để cùng “nhắm” đến các công ty dược? Tại sao không phải nhà đầu tư tài chính “dòm ngó” nữa mà đã có nhiều tập đoàn dược quốc tế lưu tâm tìm hiểu và muốn tham gia? Theo ông Phạm Thứ Triệu, Phó giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng đầu tư, CTCK Thăng Long (TLS) thì có thể lý giải là do thời điểm mở cửa ngành dược theo cam kết WTO sắp đến (dự kiến từ năm 2012 sẽ mở cửa cho các công ty dược ngoại). Do đó, một số công ty dược ngoại muốn thực hiện bước thăm dò thị trường dưới hình thức góp vốn vào các công ty trong nước. Cũng có thể các đơn vị này chọn cách gia nhập thị trường Việt Nam thông qua mua lại một công ty dược tại đây. Dù là giả thiết nào, ông Triệu nhấn mạnh, các công ty dược cũng đang rục rịch tính đường tràn vào Việt Nam.
Một lý do khác, khiến các công ty dược ở các nước tỏ ra quan tâm đến thị trường Việt Nam là yếu tố tỷ giá. Chẳng hạn, nếu chuyển phân xưởng sản xuất sang Việt Nam, các công ty dược Nhật Bản sẽ tránh được bất lợi xuất khẩu do đồng Yên tăng giá so với USD.
DN trong nước chuẩn bị “đón khách”
Với nhiều nguyên do, không thể gọi diễn biến tăng cường nắm giữ, chuyển giao sở hữu cho các tổ chức ngoại ở các công ty dược là trùng hợp ngẫu nhiên. Ông Triệu cho rằng, dù muốn hay không, các công ty dược trong nước cũng cần trong tư thế có “khách” đến nhà.
Hiện tại, điều cổ đông muốn biết là DN sẽ “đón khách” nào và “đón khách” ở tư thế ra sao? Họ sẽ là khách quý hay họ sẽ là những vị khách không mời mà đến?
Ở những DN vững mạnh, như DMC, chuyện có khách viếng thăm, muốn đặt quan hệ làm ăn đáng mừng hơn đáng lo. Chẳng hạn, dù biết rằng giao dịch giữa 5 tổ chức đầu tư tại DMC với CFR International SPA là hoạt động DMC không thể can thiệp, nhưng DMC vẫn có thể thẩm định để chọn phương án “đón khách”.
Theo tìm hiểu của DMC thì CFR International SPA là một tập đoàn dược hùng mạnh. Họ có 8 nhà máy, có mặt ở 16 quốc gia khắp Nam Mỹ. CFR International SPA từng mua nhà máy ở Anh và ở Tây Ban Nha. Với lợi thế này, nếu có CFR International SPA làm cổ đông chiến lược, DMC tin tưởng, Công ty sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ như hỗ trợ sản xuất, công nghệ, nhượng quyền và xuất khẩu.
Dưới sự hậu thuẫn của các tập đoàn dược quốc tế, các công ty dược sẽ có điều kiện để phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là ở khả năng “cầm chịch” thị trường dược trong nước khi các công ty dược nước ngoài xâm nhập quá nhanh và quá sâu vào các DN dược Việt Nam.