Theo nhiều chuyên gia, thị trường tiền tệ đang có những diễn biến “dễ thở” hơn cho các ngân hàng thương mại. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh kỳ hạn cho vay qua thị trường liên ngân hàng lên mức 14 ngày, thay cho kỳ hạn 7 ngày trước đây. Bình luận về động thái trên, các chuyên gia phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, việc kéo dài kỳ hạn cho vay lên 2 tuần sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc cân đối nguồn vốn, tránh sự xáo trộn về vốn trong ngắn hạn.
“Trong thời gian tới, rất có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có các biện pháp để cơ cấu lại thị trường liên ngân hàng theo hướng năng động hơn bằng cách đa dạng các kỳ hạn cho vay cũng như quy định các mức lãi suất khác nhau cho từng kỳ hạn vay”, các chuyên gia BVSC dự đoán.
Hiện nay, trên cả 2 sàn giao dịch có 8 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đang niêm yết, gồm Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB), Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB), Ngân hàng TMCP Nam Việt (NBB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Trong tuần qua, Chỉ số VN-Index đã giảm từ mốc 434,43 điểm xuống 427,6 điểm (tức là giảm 1,6%).
Trong bối cảnh thị trường đi xuống, song một số cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng giá trong những phiên giao dịch vừa qua. Cụ thể, nếu trong phiên giao dịch ngày 26/9, cổ phiếu VCB của Vietcombank chỉ ở mức 26.400 đồng/cổ phiếu, thì đến thời điểm đóng cửa phiên ngày30/9, đã tăng lên mức 27.400 đồng/cổ phiếu. Tương tự, một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng nhẹ, chẳng hạn cổ phiếu STB của Sacombank tăng nhẹ từ mức 14.200 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 26/9) lên 14.300 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 30/9); cổ phiếu EIB của Eximbank nhích từ 15.900 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 26/9) lên 16.000 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 30/9); cổ phiếu ACB của ACB cũng tăng từ mức 21.300 đồng/cổ phiếu (phiên 26/9) lên 21.600 đồng/cổ phiếu (phiên 30/9)…
Tuy nhiên, cũng có một số mã ngân hàng giảm giá theo đà giảm chung của thị trường, như cổ phiếu CTG của Vietinbank giảm từ 25.400 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 26/9) xuống 25.200 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 30/9). HBB của Habubank giảm từ 7.100 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 26/9) xuống 6.900 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 30/9)…
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu VCB của Vietcombank đang được chú ý nhất, đặc biệt kể từ khi Vietcombank chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài là Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản).
Ngoài những diễn biến chung trên thị trường tiền tệ, gần đây, các ngân hàng cũng đã tích cực trong việc triển khai các dịch vụ, sản phẩm, chương trình huy động và cho vay vào dịp cuối năm.
Trong khi đại gia Vietcombank gây chú ý thông qua việc bán cổ phần cho đối tác ngoại, thì một đại gia khác là VietinBank lại tạo thanh thế và hình ảnh của mình bằng việc đi vào khai thác thế mạnh ở dịch vụ thẻ. Cuối tháng 9 vừa qua, VietinBank đã ký văn bản hợp tác cung cấp dịch vụ thu học phí và thanh toán nội bộ qua thẻ với Đại học Huế. Hiện Vietinbank đang là ngân hàng dẫn đầu trên thị trường thẻ Việt Nam, với 7 triệu thẻ ghi nợ E-Partner, 200.000 thẻ tín dụng và 15.000 đơn vị chấp nhận thẻ.
Không thua kém 2 đại gia trên, những ngân hàng nhỏ hơn cũng rất nỗ lực trong việc chọn cách thức riêng để đánh bóng hình ảnh của mình trước các nhà đầu tư.
Habubank vừa tổ chức trao giải thưởng việc bán sản phẩm tiết kiệm gửi góp “Tình yêu cho con”. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Habubank và Công ty Bảo Việt Nhân Thọ. Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng cá nhân (Habubank), chương trình thi đua bán sản phẩm tiết kiệm gửi góp “Tình yêu cho con” đã giúp đem lại nguồn vốn huy động khá lớn cho Habubank.
ACB cũng vừa triển khai chương trình tín dụng đặc biệt “Tiếp vốn kinh doanh, ưu đãi lãi suất”, dành cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh. Chương trình áp dụng cho các khoản vay từ nay đến hết ngày 31/12/2011 và không giới hạn số lần giải ngân. ACB giảm lãi suất 1,2%/năm cho các khoản vay từng lần hoặc hạn mức tín dụng từ 500 triệu đồng trở lên (đối với khu vực TP.HCM và Hà Nội) hoặc từ 300 triệu đồng trở lên đối với các tỉnh, thành phố khác.
Trong khi đó, SHB tham gia vào Giai đoạn 3 của Dự án SMEFP III (Dự án Tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa). Đây là dự án được Chính phủ Nhật Bản tài trợ vốn thông qua Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC)