Hơn cả “ngủ gật”
Tháng 9.2002 khi chỉ số VN-Index giảm sâu, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Bùi Nguyên Hoàn – Vụ trưởng – Trưởng văn phòng đại diện SSC tại TPHCM – nhận xét, “thị trường đang ngủ gật”. Bây giờ, tệ hơn cả hồi ấy, TTCK không chỉ “ngủ gật” mà còn chìm trong “hôn mê”. Những số liệu chỉ ra cơn “hôn mê” là có thực.
Theo SSC, 62/105 CTCK lỗ trong ba tháng đầu năm và đến đầu tháng 6 số Cty có lũy kế lỗ là 61. Trong khi đó đến cuối năm ngoái, số CTCK thua lỗ chỉ có 20. Không ít Cty đã phải liên tục tăng vốn vì lỗ lã “ăn” vào vốn chủ sở hữu. Con số Cty thua lỗ có lẽ chưa dừng lại vì với giao dịch ảm đạm hiện nay, nhiều đơn vị sẽ còn phải trích dự phòng rủi ro giảm giá CP.
Những Cty may mắn đã thoái phần lớn vốn khỏi CP niêm yết như Kim Long thì kiên quyết đứng ngoài thị trường. Một số Cty còn tiền mặt thì kiên trì ở vị trí quan sát. TTCK hiện tại dưới con mắt của một số tổ chức, kể cả quỹ đầu tư, giống như một cái bẫy, giải ngân là nhìn thấy tiền vơi đi.
Cùng chung số phận với các CTCK là Cty quản lý quỹ. Sáu tháng vừa qua, 27/47 Cty quản lý quỹ lỗ, đến nỗi SSC phải gửi công văn khuyến cáo 10 đơn vị có mức lỗ từ 30% VĐL trở lên thận trọng trong hoạt động đầu tư, quản trị rủi ro và tăng vốn để đảm bảo các chỉ tiêu tài chính.
Để không lỗ thêm, chỉ còn cách cắt lỗ, bán ra CP vì càng để lâu, giá CP càng có nguy cơ giảm. Còn giải ngân thêm, đương nhiên là quỹ nào cũng e ngại. Nhiều quỹ tái cơ cấu danh mục, chuyển từ CP DN làm ăn kém sang DN làm ăn hiệu quả, nhưng giá CP không vì thế mà tăng trưởng vì trên thị trường Việt Nam giá giảm/tăng đồng loạt không phân biệt tốt xấu.
Từ DN, sự “nguội lạnh” của CK đang ảnh hưởng tiêu cực đến việc huy động vốn và cải cách DNNN. Tổng mức huy động vốn trên TTCK đến đầu tháng 62011 qua phát hành CP, đấu giá cổ phần, đấu thầu trái phiếu chỉ vỏn vẹn 27.200 tỉ đồng, trong đó riêng trái phiếu là 22.700 tỉ đồng. Phát hành CP giảm 80% và đặc biệt đấu giá CPH giảm tới 100% so với cuối năm 2010.
Hầu hết các đợt bán cổ phần ra công chúng của DN CPH đều thất bại do không bán hết lượng CP dự định bán. Đó là chưa kể giá bán rất thấp, chỉ tương đương mệnh giá. Giá bán thấp, tiền Nhà nước thu về ít đi. Ngày 20.7 tới, NH Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB) IPO CP với giá ban đầu 11.000 đồng. Bốn – năm năm trước, không nhà đầu tư nào dám mơ mua được CP NH với giá rẻ như vậy.
Bàn tay mạnh và hỗ trợ mạnh
CK là hàn thử biểu của nền kinh tế. Kinh tế vĩ mô chưa ổn định thì CK vẫn còn bất ổn. Lý thuyết là thế, thực tế CK Việt Nam đang tỏ ra khốc liệt hơn nhiều. Từ đầu quý II, những dấu hiệu cải thiện kinh tế vĩ mô đã xuất hiện: Tỉ giá ổn định và đồng Việt Nam lên giá dần đều so với đôla Mỹ. Ngày 9.7.2011 lần đầu tiên kể từ khi điều chỉnh tỉ giá ngày 11.2.2011, tỉ giá liên NH do NHNN công bố rớt xuống 20.608 đồng/đôla Mỹ. Bất chấp những dự báo của một số chuyên gia tài chính về cung cầu ngoại tệ cuối năm có thể căng thẳng do tín dụng ngoại tệ vẫn ở mức cao, tiền đồng đang chứng tỏ ưu thế của nó là phương tiện nắm giữ, sinh lời vượt trội hiện nay. Bên cạnh đó, lãi suất bắt đầu giảm.
Có khả năng lãi suất thị trường mở sẽ còn “xuống thang” trong tương lai gần, bởi doanh số giao dịch của kênh này đang giảm nhanh. Đến ngày 4.7.2011, tổng dư nợ qua kênh này chỉ còn 15.000 tỉ đồng, thấp nhất trong vòng sáu tháng. Tuần trước, lần đầu tiên trong vòng hai tháng qua, NHNN bơm ròng qua thị trường mở sau tám tuần liền hút ròng tiền về. Thanh khoản NH đang trong tình trạng cân bằng và không nhiều NH chạy lên thị trường mở nữa, khi mà lãi suất tại đây vẫn còn ở mức 14%/năm cho kỳ hạn 7 ngày, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ đợt phát hành cuối tuần trước lại giảm thêm 10 điểm phần trăm, chỉ còn 12,2%/năm.
CK đã không phản ứng tích cực với những chuyển động vĩ mô vì hậu quả của trào lưu đầu cơ trước đó và cả hiện tại. Những đợt đầu cơ các CP thị giá thấp, VĐL nhỏ trên sàn Hà Nội năm ngoái đã bào mòn lòng tin của nhà đầu tư. Cùng với các “đội lái” là những đợt “bơm” vốn ồ ạt cho CK từ một số Cty bằng cách cho sử dụng ký quỹ ở mức cao. Kết quả là dòng tiền đầu cơ rủi ro thống lĩnh thị trường. Các đợt giải chấp tháng 4, tháng 5 vừa qua đã khiến thị trường gần như ngã quỵ.
Sau đó khi thị trường suy thoái, từ đầu năm đến nay lại dấy lên trào lưu bán khống. Mặc dù bán khống bị cấm, nó vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức mà luật không bắt bẻ được. Nhà đầu tư A cho nhà đầu tư B vay CP để bán. Mọi giao dịch diễn ra bình thường trên tài khoản nhà đầu tư A. Quan hệ giữa hai nhà đầu tư là dân sự. Luật làm sao khống chế? Có thời điểm bán khống đã trở thành “chiến lược” của một số CTCK và nó đã đẩy VN-Index phá vỡ những ngưỡng chống đỡ còn lại – ngưỡng chống đỡ của niềm tin.
CK bây giờ cần hai thứ: Bàn tay mạnh và sự hỗ trợ mạnh của Nhà nước. Một bàn tay mạnh để giải quyết rốt ráo những rơi rớt của tình trạng đầu cơ còn sót lại và bán khống đang thịnh hành. Ai đó nói rằng “độc trị độc”. Bán khống là con dao cắt nốt trào lưu đầu cơ thiếu lành mạnh năm ngoái, trả lại cho thị trường sự minh bạch và trong sạch. Song rất nhiều nhà đầu tư không đồng tình như vậy, bởi bán khống, xét ở một góc độ nào đó, cũng là hành vi đầu cơ.
Sự hỗ trợ mạnh là một lộ trình cụ thể về việc thực hiện các nghiệp vụ mới, các quy định mới đã được đề cập từ lâu. Đã 11 năm CK Việt Nam không thể cứ mãi trong tình trạng “làm vườn rồi mới lo thả gà” như thời gian đầu. Đứa trẻ CK đã lớn, không thể cứ mãi bắt nó dạo chơi chỉ trong một cái sân hẹp!
Hãy cho CK một cơ hội phát triển vì cơ hội của CK cũng là cơ hội cho thị trường tài chính Việt Nam!