Nhiều cảnh báo về việc giá BĐS quá cao sẽ dễ xảy ra rủi ro cho tất cả các bên tham gia thị trường, đồng thời khiến người dân càng khó có điều kiện tiếp cận và tạo lập nhà ở.
Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS Công ty NetLand, phân tích, cơn sốt đất xảy ra tại TPHCM, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng và 3 địa phương sẽ hình thành đặc khu kinh tế là Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc vừa qua rất nóng.
Riêng TPHCM và Đà Nẵng xảy ra cơn sốt đầu tiên, nên nhìn chung giá đã đạt đỉnh. Nhà đầu tư cũng trải qua nhiều cơn sốt, rút ra được bài học xương máu. Đáng chú ý, trong cơn nhốn nháo sốt đất đó, các đại gia, nhà đầu cơ lớn bắt đầu rút khỏi thị trường, ngược lại nhà đầu tư nhỏ lẻ lại cố gắng lao vào.
Ở những giai đoạn trước, giá đất nóng chỉ tăng khi có thông tin về quy hoạch, phát triển hạ tầng. Còn nay, mọi ngõ ngách đều nóng lên chuyện mua bán đất, người người đi gom đất, buôn đất. Họ bất chấp đất ở đó có được mua bán chuyển nhượng hay không, có phù hợp với quy hoạch hay không. Việc mua bán đất thiếu tỉnh táo như vậy là rất nguy hiểm và đáng báo động.
Chia sẻ thêm về nguyên nhân của các đợt sốt đất, theo TS. Trương Huy Mai, chuyên gia kinh tế của RMIT, do thông tin về thị trường BĐS chưa đầy đủ và thiếu thống nhất, từ các cơ quan quản lý đến những đơn vị nghiên cứu thị trường. Việc thiếu thông tin chính là kẽ hở để các nhà đầu tư thu gom nhà, đất nhằm mục đích đầu cơ thay cho mua để ở.
Thực tế này đã góp phần đẩy giá nhà đất lên cao hơn nhiều so với nhu cầu thực của người dân, khiến những người có thu nhập thấp khó mua nhà để ở. Chính vì lý do đó, cơn sốt đất hiện nay rất nguy hiểm. Nhà đầu tư đang mua trên giá trị lợi nhuận, mua theo tin đồn, không mua trên giá trị thật BĐS. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, có thể vỡ bong bóng.
Với diễn biến giá đất tăng nóng, tích tụ lâu ngày, nhiều chuyên gia dự báo sẽ tác động cực xấu lên thị trường và nền kinh tế. Thứ nhất, người có nhu cầu thực về BĐS rất khó tìm được căn nhà hay miếng đất có giá trị phù hợp.
Thứ hai, các doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất sẽ gặp khó khăn về đền bù, giải phóng mặt bằng. Thứ ba, đối với ngân hàng, khi sử dụng BĐS làm tài sản thế chấp việc định giá càng khó khăn, chưa kể nguồn lực dồn vào BĐS quá nhiều tiềm ẩn nguy hại cho nền kinh tế.
Thứ tư, giới đầu tư, đầu cơ đất thường sử dụng đòn bẩy tài chính bằng việc vay vốn ngân hàng. Khi cơn sốt đi qua, vỡ bong bóng BĐS, ngân hàng sẽ đối mặt với rất nhiều khoản nợ xấu có thể mất rất nhiều năm để xử lý. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những ý kiến trái chiều cho rằng vẫn chưa có khả năng xảy ra bong bóng vào thời điểm này.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, chính sách tiền tệ hiện tại đang thắt chặt hơn là nới lỏng. Chính phủ đã thông qua NHNN hạn chế cho vay BĐS và chứng khoán, nhưng đà tăng tín dụng hiện nay đang giúp hình thành bong bóng BĐS.
Năm tới nếu không giải quyết và kiểm soát được dòng tín dụng đổ vào BĐS một cách nghiêm ngặt hơn, bong bóng BĐS có thể nổ ra vào năm 2019. Khi giá tăng lên trên 100% là dấu hiệu đi vào bong bóng BĐS, bởi cầu có giới hạn trong khi nguồn cung cứ tăng lên và giá bị đẩy lên.