Bên cạnh một số nhà băng điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận năm 2018 do đã cạn room tín dụng như LienVietPostBank (điều chỉnh giảm 33%, từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng) thì hầu hết các nhà băng khác, kể cả các nhà băng đã tăng trưởng cho vay rất cao như ACB, HDBank, TPBank (lần lượt đạt 11,7% và 15,1% và 16,2%) trong nửa đầu năm vẫn giữ nguyên mục tiêu lợi nhuận.
Sáu tháng đầu năm nay, ACB báo lãi kỷ lục 3.151 tỷ đồng trước thuế, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2017. Mục tiêu lợi nhuận ACB đề ra cho năm nay ở mức 5.699 tỷ đồng trước thuế và lãnh đạo nhà băng này kỳ vọng sẽ đạt đến con số 6.000 tỷ đồng, dù tín dụng đã gần cạn room.
Sở dĩ lợi nhuận ACB tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay là vì bên cạnh nguồn thu từ tín dụng thì các nguồn thu khác cũng tăng đáng kể.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ACB trong 6 tháng đầu đạt 4.861 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng tới 38%, đạt 746 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác tăng đột biến 73%, đạt 706 tỷ đồng.
Chia sẻ trong buổi gặp mặt các chuyên gia phân tích, lãnh đạo ACB cho biết, mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí dịch vụ năm 2018 là 28% và sẽ tiếp tục ở mức 28 – 30% năm 2019.
Với hoạt động thu hồi nợ xấu, ACB dự kiến sẽ thu hồi thêm 500 – 600 tỷ đồng trong 2 quý cuối năm, sau khi thu hồi 500 tỷ đồng từ nợ xấu đã xoá trong 6 tháng qua.
Trong đó, nợ thu hồi được từ nhóm 6 công ty liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên nửa đầu năm đạt khoảng một nửa số này. Nếu điều kiện thị trường tiếp tục thuận lợi, ACB đặt mục tiêu hoàn thành việc thu hồi nợ nhóm 6 vào năm 2019 – 2020.
Đồng thời, ACB có kế hoạch thu hàng trăm tỷ đồng từ các khoản nợ trái phiếu VAMC trong năm 2018. Đây sẽ là điều kiện tích cực để ACB có thêm dư địa phát triển tín dụng trong nửa cuối năm nay…
Theo Chỉ thị 04, các ngân hàng đang hỗ trợ các ngân hàng yếu kém trong quá trình tái cơ cấu sẽ được cân nhắc cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn.
HDBank có thể sẽ trong diện này, do hiện đang đợi phê duyệt nguyên tắc từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với kế hoạch sáp nhập với PGBank.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), trong trường hợp khả quan nhất là kế hoạch sáp nhập PGBank được thông qua trước quý IV năm nay, ước tính HDBank có thể được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 30 – 40% để mở rộng cho vay.
Tuy nhiên, trong trường hợp phương án sáp nhập không được thông qua, nhà băng này còn hai “cửa” để giảm bớt ảnh hưởng từ Chỉ thị 04 là dồn chỉ tiêu cho HDSaison – công ty tài chính do HDBank sở hữu 50% vốn, hoặc làm chậm lại việc huy động tiền gửi.
Với việc ghi nhận lợi nhuận trước thuế trên 2.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, HDBank tự tin với việc hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm ở mức 3.990 tỷ đồng.
Không những thế, HDBank còn cho biết, nếu sáp nhập PGBank, chỉ tiêu lợi nhuận HDBank sẽ được điều chỉnh tăng lên 4.700 tỷ đồng trước thuế.
Nhìn rộng ra, trong 6 tháng đầu năm nay, các ngân hàng đã báo lãi rất tích cực so với cùng kỳ năm trước, nhiều nhà băng đã hoàn thành hơn một nửa chỉ tiêu cả năm.
Chẳng hạn, Vietcombank đạt trên 8.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành được 57% kế hoạch năm; MB có lợi nhuận trước thuế đạt 3.829 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ và hoàn thành 56% mục tiêu đề ra cho 2018. Hay VIB đạt 1.151 tỷ đồng, đi được 57% kế hoạch cả năm…
Thậm chí, một số nhà băng nhỏ còn sớm hoàn tất chỉ tiêu đưa ra cho cả năm trong 6 tháng như Nam A Bank đạt 292 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 97,3% kế hoạch.
Đây là cơ sở để các nhà băng lạc quan về việc hoàn thành chỉ tiêu cả năm, dù dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều trong những tháng cuối năm.
HSC vẫn đưa ra dự báo tổng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng đã niêm yết sẽ tăng trưởng 32,28% trong năm 2018 và tiếp tục tăng trưởng 22,52% trong năm 2019.
Theo HSC, với Chỉ thị mới, có vẻ NHNN sẽ không nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong quý III như vẫn thường làm trong nhiều năm trước.
Tuy nhiên, do mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 17%, trong khi hạn mức dành cho các ngân hàng thương mại chủ yếu là 14% nên NHNN vẫn còn dư địa để nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số trường hợp cụ thể, mà không làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do NHNN (Vụ Dự báo Thống kê) tiến hành vào tháng 6/2018 cũng cho thấy, hầu hết các tổ chức tín dụng dự báo lạc quan về tình hình kinh doanh trong quý cuối năm và kỳ vọng kết quả kinh doanh năm nay tăng cao hơn năm trước.
Theo đó, có tới 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trong năm nay tăng trưởng dương so với năm 2017, với lợi nhuận toàn hệ thống tăng bình quân 19,05% trong năm 2018.