Theo các chuyên gia, muốn giảm được lãi suất cho vay phải giảm được lãi suất huy động, nhưng việc này sẽ thay đổi nguồn huy động ở các ngân hàng, người dân sẽ chuyển sang kênh đầu tư khác.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định giảm lãi suất cho vay là nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay. Và thực tế thời gian qua, các ngân hàng luôn nỗ lực giảm lãi suất cho vay.
Doanh nghiệp vẫn ngóng
Ngay từ đầu năm 2018, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, một số ngân hàng cũng đã có động thái giảm lãi suất. Tuy nhiên, chỉ một bộ phận doanh nghiệp (DN) được hưởng niềm vui này, còn lại vẫn phải ngóng chờ những tín hiệu tiếp theo.
Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.
Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ Hà Nội, cho rằng mức giảm lãi suất như hiện nay lại chủ yếu tập trung vào các DN ưu tiên – một bộ phận không lớn trong cộng đồng DN, nên sự hưởng lợi không dành cho đa số.
Phía DN cho rằng DN Việt có quy mô nhỏ, vốn ít, phần lớn vốn đều dựa vào ngân hàng. Trong bối cảnh hội nhập, để DN vươn ra “biển lớn” cần có hỗ trợ, trong đó mong được vay vốn giá rẻ là nỗi niềm chung của hầu hết DN.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Phát triển thương mại Đăng Khoa, cho hay là DN phân phối các sản phẩm cơ khí nên công ty không thuộc diện ưu tiên vay vốn. Hiện nay, công ty có nhu cầu mở rộng kinh doanh, nhưng việc tiếp cận vốn ngân hàng rất khó, DN không được vay tín chấp mà phải có thế chấp bằng tài sản đảm bảo.
“Vì vậy, các ngân hàng nên cân nhắc việc giảm lãi suất cho vay không chỉ với các lĩnh vực ưu tiên, mà nên áp dụng cho cả những DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa”, ông Tuấn đề xuất.
Theo ông Mạc Quốc Anh, cộng đồng DN luôn là nguồn lực chủ yếu được ghi nhận đóng góp lớn vào nguồn ngân sách quốc gia. DN cạnh tranh khỏe thì đóng góp ngân sách tốt. Khi các chi phí vốn cao, gánh nặng thuế phí nhiều thì khả năng cạnh tranh của các DN yếu đi. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn đóng góp đó của DN.
Vướng nhiều lực cản
Nhận định về thị trường lãi suất cho vay trong năm 2018, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho rằng trong năm nay, kỳ vọng lãi suất giảm sẽ rất khó khăn.
Theo phân tích của các chuyên gia, lãi suất cho vay có giảm được hay không phụ thuộc vào tỷ giá và lãi suất đầu vào.
Hiện nay, lãi suất đầu vào giữa các ngân hàng đang chênh lệch tới 2 điểm phần trăm. Bởi sau Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động để hút nguồn tiền gửi. Chẳng hạn, có ngân hàng TMCP đã niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng là 7,65%/năm, tăng gần 2 điểm phần trăm so với trước Tết.
Lãi suất huy động cao, lãi suất cho vay không tăng khiến biên độ lợi nhuận của các ngân hàng hiện đang rất mỏng, chỉ ngấp nghé mức 2%, nhưng phải bù trừ cho dự trữ bắt buộc, phải chi phí hoạt động rủi ro.
Theo Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế: “Chính phủ mong muốn các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN. Nhưng tại thời điểm này, việc giảm lãi suất nếu có thể cũng chỉ ở các ngân hàng có thanh khoản tốt, còn những ngân hàng nhỏ thanh khoản thấp sẽ khó thực hiện được”.
Chưa kể, các chuyên gia cũng cho rằng trong năm nay, lãi suất USD có xu hướng tăng hơn, mà chính sách tiền tệ của Việt Nam là đa mục tiêu, phải quan tâm rất nhiều cho ổn định tỷ giá, giữ chênh lệch ở mức độ hợp lý để thu hút dân gửi tiết kiệm VND.
Vì vậy, các chuyên gia khẳng định những lực cản trên khiến việc giảm lãi suất trong năm 2018 đang gặp nhiều khó khăn. Nếu quyết tâm cũng có thể giảm được nhưng khó hơn nhiều so với năm 2017.