Kịch bản USD lên giá đã được lường trước
Những diễn biến gần đây khi Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại châm ngòi cho cuộc chiến tranh thương mại đã gây áp lực lên thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ và tăng lãi suất trong khi ngân hàng trung ương các quốc gia khác có xu hướng tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, đến cuối năm 2018, lãi suất USD sẽ về mức 2,25 – 2,5%/năm để tiến tới mức bình thường trước khủng hoảng 3,5%/năm vào cuối năm 2019. Trong khi đó, Eurozone và Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất thấp để kích cầu tăng trưởng kinh tế.
Một số chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định, mặc dù áp lực khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã giảm bớt, nhưng các bước đi khó lường từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng như việc Fed tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá nên các mối lo về khủng hoảng toàn cầu vẫn hiện hữu trong nửa cuối năm 2018 và cả năm 2019.
Chỉ số USD Index trên thế giới duy trì đà tăng trong khi tiền đồng của nhiều nước trong khu vực giảm giá so với USD đã gián tiếp tác động tiêu cực tới khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Tỷ lệ giảm giá của đồng Việt Nam thấp hơn chỉ là 0,46% trong 6 tháng đầu năm.
Sau 2 lần tăng lãi suất vào tháng 3 và tháng 6/2018, theo dự báo của các nhà phân tích, nhiều khả năng Fed sẽ có thêm 2 lần tăng lãi suất nữa do Chỉ số Chi tiêu dùng (PCE) của Mỹ sẽ vượt mức 2% trong năm 2018. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục duy trì ở mức thấp, thúc đẩy Fed đẩy nhanh hơn tiến trình tăng lãi suất để ngăn ngừa nền kinh tế rơi vào trạng thái tăng trưởng nóng.
Nếu kịch bản này xảy ra, kinh tế Việt Nam có thể đứng trước những tác động: Ảnh hưởng tới quy mô nợ công và khả năng vay nợ nước ngoài; dòng vốn FDI và gián tiếp sẽ rút ra khỏi Việt Nam và có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô; chi phí vay nợ quốc gia tăng và niềm tin vào VND bị suy giảm.
Giá hàng hóa cơ bản tăng, giá dầu tăng mạnh, tỷ giá USD/VND tăng tạo áp lực lớn cho việc thực hiện mục tiêu lạm phát năm 2018 (khoảng 4%) và gián tiếp thu hẹp dư địa của chính sách tiền tệ trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy vậy, theo TS. Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, lộ trình tăng lãi suất đã được vạch ra nhưng không có nghĩa Fed sẽ đi theo lộ trình đó, bởi tình hình kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chững lại.
Mặt khác, việc tăng lãi suất của Fed cũng phần nào được thị trường dự báo trước nên sẽ khó có cú sốc xảy ra đối với tỷ giá. Tỷ giá USD/VND ổn định trong 5 tháng đầu năm và chỉ có một số biến động trong tháng 6 bởi đồng USD trên thị trường quốc tế tăng giá, cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu từ tháng 5/2018.
Cung ngoại tệ vẫn dồi dào
Tỷ giá VND đang chịu sức ép từ sự lên giá của USD, dù vậy, theo các chuyên gia, mức mất giá của đồng VND vẫn thấp hơn đáng kể so với đồng tiền của nhiều quốc gia trong khu vực.
Thực tế cho thấy, sau 5 tháng đầu năm ổn định trên cả thị trường chính thức và thị trường tự do, thì đến tháng 6/2018, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng do USD lên giá sau khi Fed liên tục điều chỉnh tăng lãi suất đồng USD. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND cũng chỉ tăng khoảng 1%.
Ông Bùi Quốc Dũng, Trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tỷ giá chỉ mới tăng 1,4% từ đầu năm đến nay, thay đổi không nhiều, nhưng tâm lý của nhiều người dân có vẻ hoang mang khi tỷ giá vượt ngưỡng 23.000 đồng/USD.
Theo ông Dũng, việc tỷ giá tăng như vậy cũng là chuyện bình thường. Các nguyên nhân tác động lên tỷ giá tăng trong thời gian gần đây chủ yếu là tác động bởi tâm lý của nhà đầu tư khi cùng lúc có nhiều thông tin như diễn biến liên quan đến chiến tranh thương mại Trung – Mỹ khiến cho đồng Nhân dân tệ giảm, có khả năng tác động đến VND.
Việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán gần đây cũng góp phần tác động đến tỷ giá. Ngoài ra, dấu hiệu lạm phát tăng nhẹ cũng ảnh hưởng đến tâm lý tiền đồng giảm giá.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, tỷ giá tăng thời gian qua chỉ mang tính chất thời điểm. Cung ngoại tệ trên thị trường vẫn dồi dào, khả năng tỷ giá trong thời gian tới ổn định. Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định sẵn sàng bán ra ngoại tệ để can thiệp thị trường trong trường hợp cần thiết. Các ngân hàng thương mại cũng không có nhu cầu mua ngoại tệ khi Ngân hàng Nhà nước bán ra thời gian qua.
“Yếu tố tâm lý là điều khá quan trọng, song yếu tố cung – cầu trên thị trường mới là mấu chốt”, ông Dũng nói và cho rằng, cung – cầu ngoại tệ từ nay đến cuối năm tương đối lớn, nhưng xét về mặt tổng thể và chính sách điều hành thì tỷ giá có thể tăng 1 – 2%, mức tăng này trong 1 năm cũng là bình thường.
Trên thị trường ngoại hối, tại ngày 13/7, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lên mức 22.648 VND/USD, giảm 7 đồng/USD so với ngày 28/6.
Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại cùng ngày ở mức 23.010 – 23.080 đồng/USD (mua vào – bán ra) tăng 45 đồng/USD so với cuối tháng 6. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do lên 23.170 đồng/USD ở chiều mua vào.