Các cổ đông của NNC (xem danh sách) đã nhờ ông Nguyễn Anh Huy là nhân viên phụ trách chứng khoán của Công ty TNHH MTV Vật liệu và xây dựng Bình Dương, đồng thời phụ trách chứng khoán của hai công ty thành viên là NNC và MCC, làm thủ tục lưu ký chứng khoán NNC và mở tài khoản tại CTCK Mê Kông.
Sau nhiều lần nhắc nhở ông Huy trả hợp đồng mở tài khoản nhưng không có, đến tháng 6/2011, khi bà Chi và ông Tùng (là cổ đông sở hữu gần 60.000 cổ phiếu MCC, đã phản ánh trong bài “Mất chứng khoán vì cả tin và thiếu trách nhiệm?” trên ĐTCK số 86) phát hiện bị ông Huy bán hết chứng khoán trong tài khoản mở tại ORS thì các cổ đông NNC phát hiện không có tên tài khoản ở CTCK Mê Kông. Ngày 24/6/2011, họ đến ORS làm việc thì mới biết chứng khoán trong tài khoản đứng tên họ tại ORS đã bị bán hết, chỉ còn lại vài cổ phiếu lô lẻ.
Khẳng định không ký tên vào hồ sơ mở tài khoản tại ORS và giấy ủy quyền toàn bộ cho ông Huy, nhóm cổ đông của NNC cùng bà Chi và ông Tùng đã khiếu kiện lên UBCK và HOSE về việc “ông Huy đã cấu kết với ORS” giả mạo tất cả chữ ký, hợp đồng mở tài khoản chứng khoán và giấy ủy quyền nhằm bán số cổ phiếu của họ.
Nhóm cổ đông của NNC và MCC đều cho rằng, ORS phải hoàn trả lại cổ phiếu cho họ, vì toàn bộ hồ sơ mở tài khoản và giấy ủy quyền là giả. Sở dĩ ông Huy có thể dùng hồ sơ giả cầm cố chứng khoán, thực hiện giao dịch mua bán chứng khoán được là vì ORS đã không thực hiện đúng quy trình ủy quyền. Theo đó, chủ tài khoản và bên nhận ủy quyền phải ký giấy ủy quyền trước mặt môi giới. Ngoài ra, trong giấy ủy quyền bản sao gửi nhà đầu tư, phần xác nhận chấp nhận ủy quyền của ORS không có chữ kỹ xác nhận của cán bộ môi giới và người phê duyệt.
Theo nhóm cổ đông của NNC và MCC, khi nhờ ông Huy đi lưu ký chứng khoán, họ đã ký hồ sơ mở tài khoản tại CTCK Mê Kông. Nhưng ông Huy mở tài khoản lưu ký ở đâu thì chính các nhà đầu tư này cũng không rõ.
Còn theo ORS, ông Huy đã chuyển chứng khoán từ CTCK Mê Kông về tài khoản của ông Huy tại ORS, sau đó mới bán chứng khoán sang những tài khoản khác. Một phần chứng khoán, ông Huy mang sổ cổ đông và chứng minh nhân dân của người sở hữu cùng các giấy tờ khác đến để gửi lưu ký và mở tài khoản mới tại ORS, nên Công ty thấy có đủ cơ sở chấp nhận.
Thực tế, ORS không phải là CTCK đầu tiên bị khách hàng kiện liên quan đến thủ tục thực hiện ủy quyền và giao dịch theo cơ chế ủy quyền toàn bộ tài khoản chứng khoán.
Do quy định mỗi nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản chứng khoán, nên không ít nhà đầu tư đã mượn chứng minh nhân dân của người khác để mở thêm một hay hơn một tài khoản khác và nhận ủy quyền của chủ tài khoản để dễ mua bán chứng khoán. Một số CTCK để thu hút khách hàng cũng sẵn sàng linh động trong thủ tục mở tài khoản. Chỉ cần có photo chứng minh nhân dân là khách hàng có thể mở thêm tài khoản mới và lập giấy ủy quyền, không nhất thiết chủ tài khoản phải có mặt và ký giấy ủy quyền trước mặt môi giới để đảm bảo tính chặt chẽ của thủ tục. Chủ tài khoản có thể là người nhà của khách hàng đang ở tỉnh khác, những người chưa bao giờ biết đến chứng khoán hoặc người quen biết ủy quyền nhờ nhau giao dịch…
Đây chính là kẽ hở dẫn đến những khiếu kiện giữa khách hàng và nhân viên môi giới, CTCK khi có vấn đề phát sinh, nhất là khi giá trị tài khoản bị giảm hoặc chứng khoán bị bán. Tình trạng một nhà đầu tư nhận ủy quyền giao dịch nhiều tài khoản diễn ra khá phổ biến trong những năm qua. Vụ việc tại ORS vỡ lở ngay trước thời điểm 1/8, Thông tư 74/2011/TT-BTC có hiệu lực, theo đó yêu cầu giấy ủy quyền giao dịch chứng khoán phải được công chứng hoặc xác nhận của chính quyền địa phương. Hiện tại, một số CTCK đã hủy bỏ hiệu lực của giấy ủy quyền cũ, yêu cầu nhà đầu tư đến làm giấy ủy quyền mới theo quy định tại Thông tư 74.
Được biết, phần lớn những người bị mất cổ phiếu trong vụ việc nêu trên là cán bộ – công nhân viên của Công ty Vật liệu và xây dựng Bình Dương. Họ không có ý định bán chứng khoán, mà chỉ lưu ký để thuận tiện trong việc nhận cổ tức. Ông Huy đã làm thủ tục lưu ký cho một số cán bộ – công nhân viên khác tại Chứng khoán Mê Kông, nhưng những người có số chứng khoán nhỏ không bị ảnh hưởng. Còn những người có số cổ phần tương đối lớn đã mất đi toàn bộ – là tài sản có được nhờ hàng chục năm lao động, cống hiến cho doanh nghiệp.