Công ty cổ phần Dược Cửu Long (DCL-HSX) bị đưa vào diện cảnh báo vì chậm công bố thông tin. Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (VPH-HSX) bị đưa vào diện cảnh báo do kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ trọng yếu với báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm soát xét và có ý kiến lưu ý về các khoản nợ của doanh nghiệp. Công ty Tư vấn, Thương mại, Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC-HSX), Công ty Xuất nhập khẩu lâm thủy sản Bến Tre (FBT-HSX), Công ty cổ phần Mirae (KMR-HSX) bị cảnh cáo toàn thị trường do vi phạm các quy định về công bố thông tin.
Chưa hết, Công ty Xây dựng công nghiệp Descon (DCC-HSX) ngày 30-8-2011 bị nhắc nhở về chậm công bố thông tin báo cáo thường niên 2010, báo cáo tài chính quí 1, 2 năm 2011 và soát xét sáu tháng. Ngày 5-9-2011 DCC bị đưa vào diện cảnh báo. Ngày 9-9 DCC bị cảnh cáo toàn thị trường và ngày 14-9-2011 cổ phiếu DCC bị tạm ngưng giao dịch kể từ ngày 16-9 do vi phạm nghiêm trọng quy định công bố thông tin.
Những động thái quyết liệt của HSX đối với các doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin nhằm làm cho môi trường chứng khoán minh bạch hơn đã thực sự bắt đầu trong 2-3 tuần qua. Lần này đã không còn là những nhắc nhở, rồi lặng lẽ chìm dần. Sau nhắc nhở là những văn bản xử phạt ở mức độ nặng dần. Lần đầu tiên lãnh đạo của sở nói đến khả năng hủy niêm yết nếu tình trạng vi phạm không được nhận thức đầy đủ và khắc phục nhanh chóng.
Xử lý vi phạm mạnh tay là cần thiết. Nhưng để đến khi tình trạng vi phạm xảy ra rồi mới “dập lửa” thì e tốn kém cho cả doanh nghiệp, cơ quan quản lý lẫn nhà đầu tư. Vì thế nên chăng phòng bệnh hơn chữa bệnh. |
Hành động của HSX mang tính tích cực sau những ảnh hưởng khá nặng nề của vụ việc Công ty Dược Viễn Đông (DVD-HSX), đến nỗi mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải họp báo để nói rõ về cái được và chưa được của công tác quản lý doanh nghiệp niêm yết nhìn từ trường hợp cụ thể DVD. Thị trường và nhà đầu tư có quyền hy vọng từ nay việc thông tin cảnh báo và xử lý các công ty niêm yết có vấn đề sẽ kịp thời, dứt khoát và mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn và dấu hỏi vì sao đến bây giờ HSX mới ra tay với hiện tượng thiếu minh bạch công bố thông tin vốn đã tồn tại từ lâu? Trước đây HSX xử lý khá nhẹ, hầu như chỉ dừng ở nhắc nhở nhiều lần, quá lắm mới cảnh cáo, nên tình trạng vi phạm lặp lại năm này qua năm khác giống như căn bệnh lờn thuốc.
Có thể có những lý do như chứng khoán là lĩnh vực non trẻ, Nhà nước đang khuyến khích doanh nghiệp lên sàn và cơ quan quản lý không có đủ nhân sự để thanh tra, giám sát hàng trăm công ty, nhất là mùa công bố thông tin lại dồn vào mỗi thời điểm nhất định. Song, sâu xa hơn, dường như nhận thức về việc tạo lập một môi trường kinh doanh chứng khoán minh bạch, công khai vẫn chưa có chỗ đứng xứng đáng với tầm quan trọng của nó. Điều này, tất nhiên xuất phát từ doanh nghiệp. Nhà đầu tư dễ dàng nhận thấy những doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín rất hãn hữu vi phạm công bố thông tin. Họ thấu hiểu mối quan tâm và niềm tin của nhà đầu tư – thứ của cải vô hình gây dựng thì khó, xóa bỏ thì dễ.
Xử lý vi phạm mạnh tay là cần thiết. Nhưng để đến khi tình trạng xảy ra rồi mới “dập lửa” thì e tốn kém cho cả doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nhà đầu tư. Tốn kém không chỉ là tiền bạc, thời gian mà cả cơ hội phát triển của từng công ty và nền kinh tế. Chẳng hạn với trường hợp của DCC, từ khi công ty bị cảnh cáo đến khi tạm ngưng giao dịch chỉ có một tuần, nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu này khó trở tay kịp. Vì thế nên chăng phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Các quy định liên quan đến công bố thông tin cần phải được làm mới, cập nhật các liệu pháp chế tài cụ thể cả về mức độ xử phạt cũng như thời gian. Chẳng hạn một công ty chậm nộp báo cáo tài chính thì sau bao nhiêu ngày sẽ bị cảnh báo, cảnh cáo, tạm ngưng giao dịch, hủy niêm yết… Đi cùng với các mức phạt này là các mức phạt nặng về tài chính như tạm ngưng giao dịch còn phải chịu phạt hàng trăm triệu đồng, hủy niêm yết là hàng tỉ đồng…
Trong thời gian không còn được niêm yết, nếu doanh nghiệp không khắc phục vi phạm trong thời hạn ấn định, có thể bị hủy niêm yết 1-3 năm, thậm chí vĩnh viễn. Làm sao để các doanh nghiệp nhìn thấy rằng niêm yết là quyền lợi, gắn với lợi ích thiết thân và lâu dài để từ đây tự hoàn thiện trong mảng kế toán, trong quan hệ với nhà đầu tư và tự trở nên minh bạch.
Bên cạnh đó, để công việc giám sát doanh nghiệp niêm yết hiệu quả, các sở giao dịch chứng khoán có thể phối hợp với cơ quan thuế, gần nhất là các chi cục thuế địa phương để rà soát những phát sinh, tồn tại. Thông thường những đơn vị chậm trễ, vi phạm công bố thông tin không chỉ có những phát sinh về kế toán, quản trị doanh nghiệp mà còn liên quan tới thuế.
Hiện tượng doanh nghiệp chuyển lỗ, lãi cho nhau như công ty con lãi, mẹ lỗ hoặc ngược lại được cơ quan thuế gần đây phát hiện nhiều. Cũng đã có trường hợp công ty trên sàn vướng phải rắc rối này. Cục Thuế TPHCM đã phát hiện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo lãi sau 10 năm báo lỗ. Còn trên sàn cũng có công ty có vốn nước ngoài báo lãi sau sáu quí thua lỗ liên tiếp. Mỗi trường hợp có đặc thù riêng, nhưng kinh nghiệm của cơ quan thuế đáng được cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cùng chia sẻ, hợp tác.