Mất thanh khoản trầm trọng
Dẫn đầu nhóm cổ phiếu mất thanh khoản phải kể đến cổ phiếu QST của CTCP Sách và thiết bị trường học Quảng Ninh. Đã 3 tháng nay, cổ phiếu này không có một giao dịch nào. Nếu tính từ đầu năm 2011 đến nay, tỷ lệ không có giao dịch của QST là 160/185 phiên. Vào những phiên có giao dịch, khối lượng sang tay trung bình của QST chỉ là 299 đơn vị/phiên. Diễn biến này khiến số cổ đông bên ngoài, chiếm 37,83% vốn ở QST, rất chán nản.
Mất thanh khoản trầm trọng còn là trường hợp của các cổ phiếu BDB thuộc CTCP Sách và thiết bị trường học Bình Định, HAD (CTCP Bia Hà Nội – Hải Dương), KBT (CTCP Gạch ngói Kiên Giang), KTS (CTCP Đường Kon Tum)… Chính sự hiện diện “có cũng như không” này đã khiến không ít nhà đầu tư gần như quên đi sự tồn tại của các DN đó trên sàn. Bởi thế, khi KTS công bố kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2011 là 51 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ và không lâu sau đó đưa tin chia cổ tức 60% (với 30% bằng tiền, 30% bằng cổ phiếu), nhiều nhà đầu tư tỏ ra tiếc nuối vì đã không chú ý đến cổ phiếu này sớm hơn.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, dù nhà đầu tư chú ý đến KTS sớm hơn thì chưa chắc đã mua được cổ phiếu này. Bằng chứng là trong suốt tháng 9 vừa qua, các lệnh đặt mua xuất hiện đều đặn nhưng không ai chịu bán. Chỉ đến cuối tháng 9, khi có nhà đầu tư chịu “nhả” 100 cổ phiếu, lập tức lệnh khớp ngay với giá trần 16.500 đồng/CP.
KTS là một trong số những cổ phiếu mà sự mất thanh khoản là điều được báo trước. Bởi trong cơ cấu cổ đông, chỉ 2 cổ đông là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) và Công ty Kim Hà Việt đã nắm tới 83,74%.
Để cải thiện thanh khoản cho cổ phiếu, ông Lê Quang Trưởng, Tổng giám đốc KTS dự định sẽ xin UBCK cho được tự do giao dịch và sẽ thực hiện mua bán cổ phiếu, cải thiện thanh khoản trên số lượng 5% cổ phần KTS mà ông nắm giữ.
Động thái này của ông Trưởng không giống với xu hướng thích “án binh bất động” của lãnh đạo một số DN. Như ở BDB, từ đầu năm đến nay không có một giao dịch nội bộ nào. Hay cổ đông nội bộ ở QST đã không mua không bán kể từ khi DN lên sàn đến nay (tháng 2/2009). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu có triển khai, ý định của ông Trưởng chỉ là thổi thêm chút sinh khí, chứ chưa hẳn làm “tan băng” thanh khoản cổ phiếu KTS.
Khôi phục lại thanh khoản cho cổ phiếu sẽ còn khó khăn hơn nếu tình trạng mất thanh khoản có nguyên nhân từ hoạt động bết bát của công ty, hoặc DN hoạt động trong những ngành nghề không gây sự chú ý với nhà đầu tư. Với những trường hợp này, ông Dương Cẩm Đà, Phó tổng giám đốc CTCK Kim Eng cho rằng: “Chỉ còn một cách để cải thiện thanh khoản là DN phải nỗ lực hoạt động tốt hơn, tăng cường hơn nữa hoạt động PR, IR, đưa thông tin đến với công chúng đầu tư, minh bạch thông tin… Có như vậy, nhà đầu tư mới hiểu rõ hơn về DN, chú ý đến tiềm năng tương lai của DN và có động lực để giao dịch cổ phiếu trở lại”.
Mất thanh khoản có đáng lo?
Về lý thuyết, tình trạng mất thanh khoản cổ phiếu gây thiệt hại trực tiếp lên các nhà đầu tư đã hoặc muốn sở hữu cổ phiếu đó. Tuy nhiên, phía DN không phải không chịu ảnh hưởng. Ảnh hưởng rõ ràng nhất là DN khó huy động thêm vốn. Như KTS có nhu cầu nâng cấp thiết bị mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển thêm sản phẩm…, nhưng cho đến lúc này, nguồn vốn đầu tư tại Công ty vẫn chủ yếu là vốn vay.
Bởi thế, không riêng nhà đầu tư mà DN cảm thấy lo âu khi cổ phiếu DN bị mất thanh khoản. Cơ quan quản lý cũng ban hành quy định, đưa cổ phiếu vào diện bị kiểm soát nếu cổ phiếu DN không giao dịch 60 phiên liên tiếp. Tuy nhiên, do DN có thể “lách” bằng cách thực hiện giao dịch với số lượng thấp 1 – 2 phiên nên quy định này chưa đủ sức tác động.
Tình trạng mất thanh khoản cổ phiếu, nhất là tại những DN có cổ đông lớn nắm 70 – 80% vốn dự báo sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện. Khi DN muốn ra tay “cứu… thanh khoản”, các chuyên gia cho rằng, hành động này phải dựa trên nhu cầu thực tế. Vì nếu không, cứu thanh khoản chẳng khác gì tiếp tay cho làm giá chứng khoán. Đó cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia chưa ủng hộ ý kiến nên có nhà tạo lập thị trường ở từng cổ phiếu. Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ các nước như phân loại cổ phiếu và tạo nhiều sân chơi. Với cổ phiếu bị hạn chế về thanh khoản một cách có hệ thống, nên chăng cần có một sân chơi khác!