Trần Văn Phong ngồi so chân trên chiếc ghế gỗ cũ kỹ, phía sau là hai đứa trẻ đang chơi trên giường, nơi duy nhất trong căn nhà trọ cấp bốn tồi tàn đủ rộng để chúng có thể chơi. “Số tôi đen quá. Chắc chẳng bao giờ thoát khỏi cảnh này anh ạ,” Phong ủ rũ nói.
Chỉ trong vòng hơn một năm nay, Phong đã mất gần 800 triệu đồng vì chơi chứng khoán. Với chân nhân viên hành chính nhận mức lương tháng 6 triệu đồng của một trường đại học dân lập ở Hà Nội, đây là số tiền khổng lồ. Tệ hại hơn, đó là toàn bộ tiền tiết kiệm về hưu của bố mẹ vợ cho Phong vay để mua đất làm nhà. “Vợ tôi suốt ngày chì chiết, mệt mỏi lắm”, Phong nói.
Thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi từng là mảnh đất hy vọng cho biết bao người, đã trở thành nỗi ám ảnh đối với không ít người như Phong và gia đình họ. Với Nguyễn Hoàn T., một đồng nghiệp khác của Phong, cũng vậy. T. không chơi chứng khoán, nhưng lại trả giá. Anh vợ T. đã lấy gần 3 tỉ đồng của công ty để đánh chứng khoán, và đã mất gần hết. Để cứu người anh này khỏi bị truy tố, cả gia đình phải huy động hết nguồn tài chính. T. kể, bố vợ một hôm gọi lên bảo, bố bán rẻ cho chiếc xe này giá 250 triệu đồng. T. về vay mượn, đưa tiền cho bố vợ, song chẳng nhận được xe vì chiếc xe đã được bán. “Ông cụ bảo, thôi cho bố vay để cứu anh đã, rồi trả sau. Mình chả biết làm thế nào. Mà ông ấy cũng đã bán cả căn nhà ở quê để cứu con rồi”, T. thở dài.
Những câu chuyện về nạn nhân chứng khoán như trên, dù ít được kể ra vì nhiều lý do tế nhị, ngày càng đa dạng và nhiều lên. Đến thời điểm này, thị trường chứng khoán đã trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết. Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kể lại có nhiều người hỏi bà, rằng vì sao thị trường chứng khoán “thê thảm” vậy? Bà trả lời: “Nó chỉ là tấm gương phản chiếu sức khỏe của nền kinh tế, nhưng theo chiều hướng phóng đại hơn. Khi xấu thì nó làm cho xấu thêm”.
Với nhiều chuyên gia kinh tế, nhận định này chẳng có gì đáng bàn. Tại thời điểm này, Việt Nam đang trải qua những suy giảm kinh tế nặng nề nhất. Hệ số tín nhiệm quốc gia, vốn dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, nay bị các tổ chức quốc tế xếp thấp hơn cả Campuchia, và ngang hàng với hai nền kinh tế Mông Cổ và Bangladesh. Trong một báo cáo gửi Chính phủ gần đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, hàng loạt các tiêu chí cảnh báo sớm như tăng trưởng, dự trữ ngoại tệ, tỷ giá, lãi suất trong sáu tháng đầu năm bị cho là ở mức “trầm trọng”. Chỉ tính riêng chỉ số dự trữ ngoại hối, con số này chỉ còn đảm bảo 3,5 tuần nhập khẩu hồi cuối quí 1 vừa rồi. Cho đến cuối tháng 6, con số này đã tăng lên năm tuần nhập khẩu, và đang có dấu hiệu cải thiện, nhưng chừng đó vẫn còn rất mong manh. Phó chủ tịch ủy ban Lê Xuân Nghĩa nói: “Quí 4-2010 và quí 1-2011 là thời kỳ xấu nhất của kinh tế Việt Nam, cả tín nhiệm của quốc tế và lòng tin của dân chúng đều rất thấp… làm cho thị trường chứng khoán chạm đáy”.
Theo ghi nhận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong tổng số 813 công ty đang niêm yết hiện nay, 46% công ty có cổ phiếu thấp hơn mệnh giá, và 74% có giá cổ phiếu thấp hơn giá trị sổ sách. Một báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết tình hình không sáng sủa hơn: tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) bình quân trên sàn này đã giảm xuống còn 0,38% trong quí 1 năm nay, từ 6,2% trong năm 2010 và 7,8% năm 2009. Trong khi đó, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của các doanh nghiệp trên sàn cũng giảm còn 0,75 trong quí 1-2011, từ 13,13% năm 2010 và 17,9% năm 2009. Những chỉ số kinh doanh thảm hại như trên đã làm thui chột những nhà đầu tư kiên nhẫn nhất. Bà Liên nói: “Rõ ràng, thị trường chứng khoán đang khủng hoảng lòng tin”.
Nhận xét của bà Liên chẳng có gì xa lạ với những nhà đầu tư chuyên nghiệp và kinh nghiệm dày dạn như Giám đốc Quỹ Đầu tư Dragon Capital, Dominic Scriven. Ông kể, gần đây quỹ này đã cho các nhà đầu tư quốc tế rút 10% vốn trong mỗi sáu tháng, nhưng chẳng có ai thực hiện được vì thanh khoản thấp. Ở bình diện lớn hơn, ông Scriven tiết lộ, 11 quỹ đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán đang chịu lỗ. “Tôi được biết, phần lớn các quỹ sẽ biểu quyết rút vốn thời gian tới”, ông nói. Lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài có tổ chức và chuyên nghiệp dự báo viễn cảnh ảm đạm cho tương lai của thị trường này, nhất là khi thời gian 5-8 năm hoạt động cho các quỹ này đang dần trôi qua. Ông Nghĩa nói: “Nếu những quỹ này không ở lại, hay không có thêm quỹ mới, thì thị trường sẽ đi về đâu?”, và bổ sung thêm, hầu hết các quỹ này lỗ ít thì 3-5%, cao tới 40% trong thời gian vừa qua.
Các vụ IPO lớn đã trở nên thưa thớt khi thị trường suy giảm. Thực tế là nhiều nhà đầu tư đã hết kiên nhẫn. Ông Scriven kể, ông từng biết hai tập đoàn quốc tế đã đến Việt Nam và mỗi tập đoàn sẵn sàng chi tới 500 triệu đô la Mỹ để mua lại các công ty trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng và viễn thông. Nay một tập đoàn đã âm thầm về nước, còn đại diện tập đoàn kia đang tính đường rời khỏi Việt Nam.
Đã xuất hiện ngày càng nhiều những kiến nghị về sự can thiệp của Chính phủ nhằm cứu vãn thị trường. Ông Nghĩa cho rằng, đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn có hiệu quả, và mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài là hai giải pháp tốt. Ông Scriven thì thấy rõ điều này từ lâu. Theo tính toán của chuyên gia này, trong hơn 21 tỉ đô la Mỹ tổng vốn của thị trường (tính đến ngày 22-7), thì chỉ có 9 tỉ đô la Mỹ là được giao dịch và có tác động thực đến chỉ số VN-Index. Phần còn lại là vốn sở hữu của Chính phủ và hội đồng quản trị của các công ty niêm yết. Ông nói: “Chính phủ cần đưa ra lộ trình để giảm quyền sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa. Thực tế là sở hữu nhà nước cao hơn 51% đang gây ra khó khăn trong việc lập kế hoạch chiến lược và hoạt động kinh doanh”.
Liệu nền kinh tế này có đi trên hai chân vốn là hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán, như những nền kinh tế khác? Với những gì diễn ra trên thị trường trong những tháng này của năm 2011, và của năm 2008, thì câu trả lời chắc hẳn không sáng sủa, dù thêm nhiều thời gian. Ít nhất, nó cần thời gian để chữa lành vết thương cho không ít nhà đầu tư.
Ngồi trong căn phòng trọ tồi tàn, Phong nói anh chẳng biết ứng xử thế nào với đống giấy tờ chứng nhận cổ đông, và chờ đợi bao lâu để kiếm lại 800 triệu đồng đã mất. Còn T. thì vẫn đang tích cóp hàng tháng để trả cho chiếc ô tô “bị đánh cắp”. “Tiền đã mất, nhà thì không, anh thấy có kinh nghiệm nào cay đắng như vậy không?” Phong nói.